Các thành viên NATO phản ứng ra sao trước cuộc tấn công tỉnh Kursk của Ukraine?

Ngày 14/8, Phần Lan và Estonia đã trở thành hai quốc gia NATO mới nhất ủng hộ cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga.

Một phương tiện thiết giáp của Ukraine bị bỏ lại ở tỉnh Kursk, Nga. Ảnh: Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga

Một phương tiện thiết giáp của Ukraine bị bỏ lại ở tỉnh Kursk, Nga. Ảnh: Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga

Theo đài RT, Thủ tướng Phần Lan và Estonia đã lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk, sau khi quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

“Ukraine có quyền tự vệ và rõ ràng là họ có thể thực hiện hoạt động của mình ở Kursk”, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo nói với các phóng viên ở Helsinki ngày 14/8, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Estonia Kristen Michal.

Thủ tướng Michal cũng phát biểu: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong các hoạt động khác nhau và cá nhân tôi chúc họ may mắn”.

Trước đó, Ba Lan đã trở thành thành viên NATO tiếp theo đưa ra sự hỗ trợ có chừng mực cho việc Ukraine xâm nhập khu vực Kursk của Nga, sau khi Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng Kiev "có mọi quyền tiến hành chiến tranh theo cách làm tê liệt Nga".

Sau khi bắt đầu cuộc tấn công bất ngờ xuyên qua biên giới với Nga vào ngày 6/8, Ukraine tuyên bố tiếp tục giành được những thắng lợi ở tỉnh Kursk phía tây nam Nga. Kiev nói rằng họ đã kiểm soát trên 600km2 lãnh thổ Nga và 74 thị trấn, làng mạc. Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky hôm 13/8 cũng cho biết quân đội Ukraine đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn biên giới Sudzha của Nga.

Các thành viên NATO cho biết vũ khí của họ không được phép sử dụng bên trong lãnh thổ Nga vì lo ngại leo thang căng thẳng Nga - NATO nhưng các đồng minh của Kiev cũng không gây áp lực buộc Ukraine phải giảm bớt nỗ lực tấn công qua biên giới, coi hoạt động này là cần thiết để chống lại Moskva.

Khi được hỏi về việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói trong một cuộc họp báo hôm 12/8 rằng “các hành động của Kiev chỉ mang tính chất phòng thủ”.

Phát ngôn này lặp lại quan điểm từ Bộ Ngoại giao Đức, với một tuyên bố cho rằng quyền tự vệ của Ukraine "được quy định trong luật pháp quốc tế" và "điều này không chỉ giới hạn ở lãnh thổ của nước này".

Ông Roderich Kiesewetter, một nhà lập pháp cấp cao của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức, nói với Politico rằng Ukraine có thể tấn công "các khu vực tập trung" bên trong Nga bằng vũ khí Đức vì "sau khi được chuyển giao, chúng là vũ khí của Ukraine".

Tại châu Âu, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Nabila Massrali nói rằng EU không bình luận về các diễn biến hoạt động tại Kursk nhưng "hoàn toàn ủng hộ việc Ukraine thực hiện hợp pháp quyền tự vệ vốn có của mình". Ủy viên chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho rằng Kiev nhận được "sự ủng hộ hoàn toàn" của khối đối với cuộc tấn công Kursk.

Tại London, theo tờ Telegraph, chính phủ Anh đã không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh trong chiến dịch tại Kursk, đồng thời một nguồn tin chính phủ khẳng định "không có thay đổi" trong chính sách của London.

Tuy vậy, hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây từ chối bình luận về cuộc tấn công của Ukraine, thay vào đó đưa ra những tuyên bố chung chung ủng hộ quyền “tự vệ” của Kiev. Họ cũng khẳng định không biết trước về cuộc tấn công của Ukraine.

Thủ tướng Estonia Kristen Michal (trái) và Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo họp báo ở Helsinki, vào ngày 14/8/2024. Ảnh: RT

Thủ tướng Estonia Kristen Michal (trái) và Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo họp báo ở Helsinki, vào ngày 14/8/2024. Ảnh: RT

Về phía Mỹ, vào ngày thứ ba của cuộc tấn công tại Kursk, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết hôm 8/8 rằng Washington "ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Ukraine trong việc chống lại hành động của Nga". Hồi tháng 5, Washington đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ ở các khu vực gần Kharkiv, chứ không phải khu vực Kursk.

Hôm 13/8, Tổng thống Mỹ tiết lộ Washington đã liên lạc với Kiev suốt thời gian qua. “Tôi đã nói chuyện với nhân viên của mình một cách thường xuyên, có thể là 4-6 giờ một lần trong 6 hoặc 8 ngày qua”, ông Biden nói với các phóng viên ở New Orleans. “Và chúng tôi đã liên lạc trực tiếp, liên lạc thường xuyên với người Ukraine.”

Phó Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu Robert Murrett nói với Newsweek rằng sự hỗ trợ từ các thành viên NATO “thực sự đã bị đánh giá thấp nhưng vẫn tồn tại”. Ông nói: “Thực tế là Nga đã sử dụng các khu vực Kursk và Belgorod, cũng như Belarus, để tiến hành các cuộc tấn công trên không và trên mặt đất gây chết người vào Ukraine, và ‘phòng thủ tích cực’ xuyên biên giới là một chiến lược hợp pháp”.

Ông Murrett, hiện là Phó giám đốc Viện Chính sách và Luật An ninh tại Đại học Syracuse (Mỹ), cho biết có những dấu hiệu cho thấy bộ chỉ huy và kiểm soát các đơn vị phản ứng của Nga "vẫn đang phối hợp với nhau, trong khi chưa đạt được sự thống nhất chỉ huy vốn hết sức quan trọng".

Nga được cho là đã phải điều động các đơn vị ở miền nam Ukraine để giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng ở Kursk, một động thái mà ông Murrett cho rằng có thể sẽ "làm giảm khả năng của Nga ở Ukraine bằng cách thiết lập lại tình trạng biên giới Nga giáp Ukraine".

Về phần mình, quân đội Ukraine được các phương tiện truyền thông phương Tây phỏng vấn đã thừa nhận rằng mục tiêu chính của cuộc tấn công là chiếm một số lãnh thổ có thể được trao đổi với Moskva trong các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng, đồng thời giảm bớt áp lực chiến trường lên Pokrovsk, Chasov Yar và New York ở khu vực Donbas.

Tuy nhiên, theo đài RT, trên thực tế cuộc tấn công dường như đã làm suy yếu các vị trí của Ukraine tại Donetsk khi quân đội Nga bắt đầu tiến quân nhanh hơn. Theo Tổng thống Vladimir Putin, cuộc xâm nhập Kursk cũng dẫn đến sự gia tăng số quân nhân Nga nhập ngũ.

Hôm 12/8, Tổng thống Putin cũng tuyên bố cuộc tấn công của Ukraine qua biên giới Nga sẽ bị "đáp trả thích đáng" và nhiệm vụ chính của quân đội Nga là đánh bật lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ nước này.

Nhà lãnh đạo Nga nhận định, cuộc tấn công xuyên biên giới phản ánh nỗ lực của Kiev nhằm đạt được vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán có thể diễn ra sau này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine đều là không thể, chừng nào lực lượng của họ còn tấn công nhằm vào dân thường và đe dọa các cơ sở hạt nhân".

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Theo Tân Hoa Xã, khi được yêu cầu bình luận về diễn biến vụ Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga những ngày gần đây, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên tuân thủ ba nguyên tắc để giảm leo thang tình hình, đó là không mở rộng chiến trường, không leo thang giao tranh và không bên nào đổ thêm dầu vào lửa. Phát ngôn viên này nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Newsweek)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-thanh-vien-nato-phan-ung-ra-sao-truoc-cuoc-tan-cong-tinh-kursk-cua-ukraine-20240815092632968.htm