Các thầy cô hào hứng học cách xây dựng 'tiết học hạnh phúc'

Ngày thứ 2 (vào ngày 24.11) của hội thảo 'Hạnh phúc trong giáo dục - 2024' thu hút sự quan tâm đặc biệt của giáo viên và những người trong ngành giáo dục nói chung. 'Tôi đã thu nhận được những kỹ năng và phương pháp thực sự hữu ích, như cách giao tiếp với học sinh ra sao để khơi dậy năng lực tư duy của các em' - cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) hào hứng cho biết ngay sau khi tham gia các chia sẻ chuyên đề trong buổi sáng.

Cô Hồng Nhung cho biết: “Khi đọc chủ đề của hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục”, tôi đã rất hào hứng và đăng ký tham gia. Hôm nay đến nghe và trao đổi trực tiếp, tôi cảm thấy thực sự hữu ích. Các em học sinh ngày nay phải chịu rất nhiều áp lực, nếu có thể tạo được cho các em một môi trường vui vẻ, hạnh phúc trong các trường học thì sẽ giúp giảm tải cho các em rất nhiều, cũng giúp việc học kiến thức đạt tiến bộ rõ rệt”.

Chuyên gia giáo dục Thomas Hobson (Teacher Tom) tại hội thảo

Chuyên gia giáo dục Thomas Hobson (Teacher Tom) tại hội thảo

Bài thuyết trình mà cô Hồng Nhung nhắc đến là của chuyên gia giáo dục Thomas Hobson có chủ đề “Giao tiếp với trẻ em để khơi dậy tư duy”. Diễn giả được biết đến với tên gọi Teacher Tom – tên blog nổi tiếng của ông, nơi ông đăng các bài viết hằng ngày suốt hơn một thập niên qua. Ông là nhà giáo dục mầm non đã trực tiếp đứng lớp 20 năm, diễn giả quốc tế, chuyên gia tư vấn giáo dục, đào tạo giáo viên, người dẫn podcast và tác giả sách.

Với các thầy cô giáo Việt Nam trong buổi sáng nay, Teacher Tom đưa ra vấn đề để suy ngẫm và trao đổi: liệu chúng ta đã từng dừng lại để suy ngẫm xem cách mình giao tiếp ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tưduy của trẻ, đặc biệt là ở những năm đầu đời?

Theo ông, cách những từ ngữ cụ thể, cùng thời điểm sử dụng chúng, có thể tạo dựng nên một thế giới thực đầy ý nghĩa cho trẻ, theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực, từ đó định hình thế giới của trẻ.

Cô Hồng Nhung (trái), giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội tham gia các chia sẻ chuyên đề trong buổi sáng

Cô Hồng Nhung (trái), giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội tham gia các chia sẻ chuyên đề trong buổi sáng

“Diễn giả đưa ra các vấn đề khó khăn về giao tiếp thường gặp trong các lớp học, từ đó chúng tôi cùng trao đổi để đưa ra cách giải quyết vấn đề. Tôi thấy sáng tỏ được nhiều điều” – cô Hồng Nhung nhấn mạnh.

Và lời khuyên của diễn giả mà những thầy cô như cô Hồng Nhung thu nhận được, đó là: Hãy học cách giao tiếp mà không rơi vào việc ra lệnh hay áp đặt, khuyến khích sự tự do và chủ động của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ khám phá, học hỏi từ thực tế xung quanh. Hãy trao cho trẻ cơ hội tự chịu trách nhiệm và phát triển khả năng tư duy độc lập. Và cuối cùng, hãy giúp trẻ rút ra bài học từ những hành động của chính mình. Cô cho biết sẽ áp dụng để làm tăng hiệu quả cách giao tiếp với học sinh trên lớp.

Cách giáo viên giao tiếp ảnh hưởng nào đến quá trình tư duy của trẻ. Ảnh: TH School

Cách giáo viên giao tiếp ảnh hưởng nào đến quá trình tư duy của trẻ. Ảnh: TH School

Đến từ Bắc Giang, cô Mai Thu Giang, giáo viên Trường chuyên Bắc Giang, đã lái xe từ 6 giờ sáng để kịp có mặt tại Hà Nội dự các phiên hội thảo quốc tế với những diễn giả uy tín thế giới. Là giáo viên tiếng Anh đã trải nghiệm nhiều hội thảo chuyên đề, cô nhận xét sự kiện được Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức bài bản và chuyên nghiệp. “Điều đáng nói nhất là các diễn giả chia sẻ những phương pháp hữu ích và cách nói vô cùng truyền cảm hứng. Tôi nghĩ sẽ áp dụng được rất nhiều những điều học hôm nay vào việc giảng dạy, giúp học sinh yêu thích môn học và giờ học của mình hơn, bởi xu hướng hiện nay không chỉ dạy các em kiến thức mà còn cần tạo cảm hứng cho các em để yêu thích chính việc học tập” – cô Giang cho biết.

Cô Mai Thu Giang (phải), giáo viên Trường chuyên Bắc Giang tham gia thảo luận cùng các giáo viên khác tại phiên hội thảo

Cô Mai Thu Giang (phải), giáo viên Trường chuyên Bắc Giang tham gia thảo luận cùng các giáo viên khác tại phiên hội thảo

Quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu

Trong hai ngày 23 - 24.11, hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục - 2024" quy tụ các chuyên gia giáo dục có tiếng tăm và uy tín hàng đầu trong nước và trên thế giới.

Để nuôi dưỡng học sinh hạnh phúc cần sự chung tay góp sức từ các nhà hoạch định giáo dục, lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ và phụ huynh, những người đồng hành cùng con trong mỗi bước đường. Nhận thức sâu sắc về điều này, Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức các phiên hội thảo dành cho những đối tượng, mục tiêu khác nhau.

Trong đó, phiên hội thảo trọn ngày 24.11 được thiết kế riêng cho giáo viên và nhà quản lý giáo dục, giới thiệu những phương pháp giáo dục sáng tạo, ứng dụng nền tảng công nghệ để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ chia sẻ công cụ và chiến lược để theo dõi và thúc đẩy sự an lành, hạnh phúc của học sinh, đồng thời khuyến khích tư duy phản biện và tầm nhìn toàn cầu.

Trong gần chục chuyên gia giáo dục uy tín tham gia hội thảo, bên cạnh Teacher Tom, có thể kể đến những cái tên đầy sức nặng. Chuyên gia Martin Skelton, cố vấn đặc biệt của Hệ thống trường quốc tế Vương quốc Anh, là nhà giáo dục nổi tiếng và đồng tác giả của chương trình Giáo dục tiểu học quốc tế (IPC), một khung chương trình giáo dục được thiết kế để thúc đẩy tư duy toàn cầu và học tập cá nhân hóa cho học sinh nhỏ tuổi. Xây dựng tại Anh vào năm 2000, chương trình IPC đã được hơn 1.000 trường tiểu học tại hơn 65 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đưa vào giảng dạy.

Ông Martin Skelton, đồng tác giả của chương trình IPC nổi tiếng toàn thế giới, tại hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" ngày 24.11

Ông Martin Skelton, đồng tác giả của chương trình IPC nổi tiếng toàn thế giới, tại hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" ngày 24.11

Ông Martin Skelton cũng chính là cố vấn sáng lập hệ thống Trường TH School - một kiểu mẫu về trường học hạnh phúc, với việc áp dụng mô hình SPIRE trong giảng dạy. Phiên ngày 24.11, ông Martin Skelton mang tới hội thảo bài thuyết trình có tiêu đề “Bằng chứng còn thiếu về việc học”.

PGS-TS Ngô Tuyết Mai - Giảng viên Đại học Flinders (Úc) và giảng viên tại Đại học Hà Nội, giảng dạy phương pháp TESOL và phương pháp nghiên cứu ở bậc sau đại học. Bà cũng đã hướng dẫn thành công các sinh viên thạc sĩ TESOL và giảng dạy kỹ năng phiên dịch, biên dịch ở bậc đại học. Bà là nhà đồng sáng lập của Smart Learn Solutions, nơi bà cùng các đồng nghiệp chia sẻ những phương pháp giáo dục tiên tiến với giáo viên trong và ngoài nước. PGS-TS Tuyết Mai chia sẻ với các giáo viên về chủ đề “Thúc đẩy sự hạnh phúc và sức khỏe cảm xúc xã hội trong trường học và lớp học”.

Giáo sư Yong Zhao chia sẻ tại phiên chiều 24.11 với chủ đề "Xây dựng cá nhân hóa việc học trong trường học vươn tới sự xuất chúng'’

Giáo sư Yong Zhao chia sẻ tại phiên chiều 24.11 với chủ đề "Xây dựng cá nhân hóa việc học trong trường học vươn tới sự xuất chúng'’

Giáo sư Yong Zhao - giảng viên Đại học Kansas (Mỹ), người đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Mỹ, Giải thưởng Nhà giáo dục công chúng xuất sắc từ Liên minh Horace Mann (Mỹ)... Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào tác động của toàn cầu hóa và công nghệ đối với giáo dục. Ông đã xuất bản hơn 100 bài báo, 30 cuốn sách và được công nhận là một trong những học giả có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục. Chủ đề ông Yong Zhao chia sẻ tại phiên chiều 24.11 là “Xây dựng cá nhân hóa việc học trong trường học vươn tới sự xuất chúng”.

Bên cạnh đó là các diễn giả như: Bà Erin Threlfall, Hiệu trưởng khối Tiểu học, Trường quốc tế Panyaden, Thái Lan với bài “Theo dõi hạnh phúc và sức khỏe tinh thần: Các công cụ và chiến lược cho nhà trường”. Bà Sheila Ascencio, chuyên gia tư vấn giáo dục Canada với bài giảng về “Nghiên cứu hành động vì sự phát triển toàn diện và tác động toàn cầu”. TS Kim Mạnh Tuấn, giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi về “Dạy học để hiểu sâu với AI”...

Hạ Vĩ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-thay-co-hao-hung-hoc-cach-xay-dung-tiet-hoc-hanh-phuc-226380.html