Các thị trường nhà ở đắt đỏ nhất châu Á đang hạ nhiệt
Một số thị trường nhà đất đắt đỏ bậc nhất châu Á đã hạ nhiệt sau một năm tăng trưởng chóng mặt
Theo Bloomberg, giá nhà ở Sydney và Hong Kong đã bắt đầu lao dốc, còn thị trường Singapore hầu như không tăng giá trong quý I.
Giá nhà đột ngột lao dốc sau một năm tăng trưởng chóng mặt. Năm 2021, khách hàng đổ xô mua nhà vì lãi suất thấp kỷ lục và nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội. Điều này đã tạo ra cơn sốt bất động sản toàn cầu từ Toronto đến Auckland.
Giá nhà ở Sydney tăng gần 27% vào năm ngoái. Singapore chứng kiến tốc độ tăng cao nhất trong hơn 10 năm. Hong Kong vẫn là thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.
Thị trường nhà ở hạ nhiệt
Nhưng các thị trường này giờ đã hạ nhiệt. Do những lo ngại về khả năng chi trả, Singapore áp dụng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản. Rủi ro lạm phát cũng buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cân nhắc nâng lãi suất. Điều này có thể khiến người mua nhà khó trả nợ hơn.
Dịch Covid-19 và cuộc trấn áp của giới chức Trung Quốc cũng khiến thị trường địa ốc nước này hạ nhiệt. Trong khi đó, Hong Kong đang đối mặt với làn sóng di dân của cư dân thành phố.
"Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chính phủ châu Á trở nên cảnh giác hơn với những cơn sốt giá nhà. Trong khi đó, đại dịch cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo", bà Victoria Garrett - Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank - nhận định.
Bà Garrett ước tính vào năm 2022, giá nhà ở trong toàn khu vực sẽ tăng với tốc độ chậm và bền vững hơn, khoảng 3-5%. Con số này thấp hơn mức tăng 9,1% của năm ngoái.
Theo bà, nhu cầu vẫn có thể gia tăng ở một số thị trường. Một phần nguyên nhân là tình trạng thiếu hụt nguồn cung khó được cải thiện trong vòng 12 tháng.
Thêm vào đó, chu kỳ nâng lãi suất vẫn ở giai đoạn đầu. Do đó, người mua còn có thể tận dụng mức lãi suất tốt.
Tại Anh, giá nhà tháng 3 vẫn tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2004. Trong khi đó, giá nhà ở 20 thành phố của Mỹ cũng tăng cao.
Nhưng ở Sydney - thành phố đông dân nhất Australia, thị trường nhà đất đang có dấu hiệu hạ nhiệt bởi lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương Australia sẽ sớm nâng lãi suất.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2021, tiền lương trung bình tại đây tăng 3,3%, trong khi giá nhà tăng tới 22,6%. Giá nhà trung bình ở Sydney cao gấp 17 lần mức trung bình cả nước.
Trong khi đó, ở Australia, tổng nợ hộ gia đình đã lên tới gần 200% thu nhập khả dụng. Điều đó khiến người mua nhà thận trọng. Tháng trước, giá nhà tại Sydney lao dốc 0,2%.
"Vốn là một thị trường đắt nhỏ, Sydney rất nhạy cảm với lãi suất", nhà kinh tế trưởng Nerida Conisbee tại công ty bất động sản Ray White bình luận.
Hong Kong, Singapore và Thượng Hải
Trong khi đó, giá nhà ở tại Hong Kong đã có xu hướng giảm kể từ tháng 8 năm ngoái. Nguyên nhân là những cản trở đối với nền kinh tế, lãi suất tăng cao, làn sóng di cư, căng thẳng chính trị và các biện pháp giãn cách xã hội gắt gao.
Thị trường nhà ở của thành phố đã đạt mức giá kỷ lục hồi tháng 8/2021. Nhưng theo Centaline Property Agency Ltd., giá hiện lao dốc 7,3%. UBS Group AG dự báo đà giảm sẽ tiếp tục do làn sóng di cư và lãi suất tăng.
Goldman Sachs Group Inc. thậm chí dự báo mức giảm lên tới 20% vào năm 2025.
"Ngoài Covid-19, những bất ổn khác như rủi ro địa chính trị và lãi suất gia tăng cũng khiến người mua trì hoãn mua nhà", bà Rosanna Tang - Trưởng bộ phận nghiên cứu Hong Kong và Vịnh Lớn tại Colliers International - nhận xét.
Thị trường nhà ở của Singapore cũng hạ nhiệt do những hạn chế đối với ngành bất động sản và thuế tăng. Tốc độ tăng trưởng của giá nhà mới giảm còn 0,4% trong quý I. Doanh số bán nhà tháng 3 lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 21 tháng.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chính phủ châu Á trở nên cảnh giác hơn với những cơn sốt giá nhà. Trong khi đó, đại dịch cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Bà Victoria Garrett, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank
Hồi tháng 12/2021, giới chức Singapore đã đưa ra các biện pháp hạ nhiệt thị trường. Đến tháng 2 năm nay, chính phủ tăng thuế bất động sản nhắm vào những cư dân giàu có.
Nhưng giới phân tích cho rằng các biện pháp kiểm soát chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Bởi nhu cầu của cư dân địa phương vẫn còn lớn. Theo ông Alan Cheong - Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu của Savills Plc, xu hướng lạm phát tăng cao thậm giá còn thúc đẩy khách hàng mua nhà sớm, thay vì mua sau với giá cao hơn.
Trong khi đó, giá nhà ở Thượng Hải đã tăng trở lại vào tháng 12/2021 sau 3 tháng lao dốc. Tuy nhiên, đà phục hồi đang bị đe dọa bởi các đợt bùng dịch mới.
"Làn sóng Covid-19 mới có thể tác động tới thị trường trong quý II", ông Roddy Allan - Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Jones Lang LaSalle - dự báo.