Các thị trưởng thế giới kêu gọi bảo vệ rừng, xanh hóa thành phố
Lãnh đạo 57 thành phố trên 6 châu lục, đại diện cho hơn 170 triệu dân trên thế giới, kêu gọi các chính phủ thực thi những chính sách quyết liệt và hiệu quả hơn để bảo vệ, khôi phục và quản lý rừng.
Gần 60 thị trưởng của các thành phố lớn trên khắp thế giới, từ Paris (Pháp) đến Jakarta (Indonesia) và Sao Paulo (Brazil), đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ và giới chủ doanh nghiệp tăng cường bảo vệ rừng. Họ đồng thời cam kết “xanh hóa” các con phố của địa phương mình.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong một tuyên bố có chữ ký của lãnh đạo 57 thành phố trên 6 châu lục, đại diện cho hơn 170 triệu dân trên thế giới, theo Sáng kiến Cities4Forests - một mạng lưới các thành phố cam kết bảo vệ và tái tạo rừng do Viện Tài nguyên thế giới tổ chức.
Phát biểu ngày 22/9 với đại diện tổ chức Thomson Reuters Foundation, người phụ trách thực thi sáng kiến Cities4Forests, ông John-Rob Pool cho biết: “Chúng ta hành động chưa đủ mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia và chúng ta đang thua trong cuộc chiến chống nạn phá rừng.”
Vì vậy, “đông đảo các thành phố đã sẵn sàng lên tiếng về tầm quan trọng của rừng đối với thành phố và cuộc sống của cư dân đô thị, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ các cánh rừng.”
Rừng có thể lưu giữ khí CO2, giúp thế giới đạt các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Rừng cũng giúp làm sạch không khí và nước, có lợi cho sức khỏe của con người, bảo vệ con người trước nạn lũ lụt và giảm nhiệt độ ở các thành phố.
Nhưng theo Global Forest Watch, trong năm 2020, diện tích rừng nhiệt đới biến mất trên thế giới tương đương diện tích của đất nước Hà Lan.
Các bên tham gia ký kết tuyên bố Cities4Forests kêu gọi các chính phủ thực thi những chính sách quyết liệt và hiệu quả để bảo vệ, khôi phục và quản lý rừng một cách bền vững.
Các chính phủ ở các nước phát triển cần hỗ trợ tài chính và thực thi các chính sách khuyến khích thương mại để bảo tồn rừng, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới. Tuyên bố cũng kêu gọi hỗ trợ người nông dân phát triển nông nghiệp bền vững và điều chỉnh các chính sách gây tổn hại tới rừng.
Các ngân hàng, nhà đầu tư và các quỹ quốc gia cần tránh đầu tư vào các hoạt động có thể làm gia tăng nạn phá rừng như ngành sản xuất dầu cọ hoặc chăn nuôi bò, đồng thời ưu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên và các sản phẩm không gián tiếp gây ra nạn chặt phá rừng.
Các công ty cũng cần đảm bảo chuỗi cung ứng của mình có lợi cho tự nhiên.
Ông Pool cho biết nhiều thành phố đã nâng cao ý thức về tầm quan trọng của bảo vệ rừng, thúc đẩy sản xuất bền vững và triển khai nhiều dự án trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Về phần mình, bà Yvonne Aki-Sawyerr, Thị trưởng Freetown (thủ đô của Sierra Leone), cho biết: “Chúng tôi sẽ bảo vệ rừng thế giới bằng cách tái xanh hóa các thành phố của mình và bảo vệ những khu sinh thái rộng lớn trong thành phố. Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó một mình. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này."/.