Các thỏa thuận Minsk về xung đột Ukraine là gì?
Giới chức Mỹ đã cảnh báo Nga không nên tấn công Ukraine và kêu gọi các bên tôn trọng Thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận Minsk gồm những điểm gì, đây có phải là giải pháp ngoại giao duy nhất hiện nay để tránh xung đột?
MINSK I
Ukraine và phe ly khai đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn gồm 12 điểm ở thủ đô Belarus vào tháng 9/2014.
Các điều khoản của nó bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng, sau 5 tháng xảy ra xung đột khiến hơn 2.600 người thiệt mạng - con số mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết kể từ đó đã tăng lên khoảng 15.000 người.
Thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ, với sự vi phạm của cả hai bên.
Binh lính Ukraine gần khu vực Donetsk ngày 20/2. Ảnh: Reuters
MINSK II
Sau đó, đại diện của Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và lãnh đạo hai khu vực ly khai thân Nga đã ký thỏa thuận 13 điểm vào tháng 2/2015.
Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Nga và Ukraine, tập trung tại Minsk cùng một lúc, đưa ra tuyên bố ủng hộ thỏa thuận.
Một trở ngại lớn là Nga khăng khăng rằng họ không phải là một bên trong cuộc xung đột và do đó không bị ràng buộc bởi các điều khoản.
Chẳng hạn, điểm 10 kêu gọi rút tất cả các lực lượng vũ trang và thiết bị quân sự của nước ngoài khỏi hai khu vực tranh chấp, Donetsk và Luhansk. Ukraine từng cáo buộc quân đội Nga đang có mặt ở đó, nhưng Moscow phủ nhận họ có bất kỳ lực lượng nào ở đó.
Cụ thể, 13 điểm trong thỏa thuận này là:
1. Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện
2. Thu hồi tất cả vũ khí hạng nặng của cả hai bên
3. Giám sát và xác minh bởi OSCE
4. Bắt đầu đối thoại với chính phủ tự trị lâm thời cho các khu vực Donetsk và Luhansk, phù hợp với luật pháp Ukraine và thừa nhận địa vị đặc biệt của họ bằng nghị quyết của quốc hội.
5. Ân xá cho những người liên quan đến vụ xung đột
6. Một cuộc trao đổi con tin và tù nhân.
7. Cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
8. Nối lại các quan hệ kinh tế - xã hội, bao gồm cả lương hưu.
9. Khôi phục toàn quyền kiểm soát biên giới nhà nước của chính phủ Ukraine.
10. Thu hồi tất cả các đội hình vũ trang, thiết bị quân sự và lính đánh thuê của nước ngoài.
11. Cải cách hiến pháp ở Ukraine bao gồm phân quyền, trong đó đề cập cụ thể đến Donetsk và Luhansk.
12. Bầu cử ở Donetsk và Luhansk theo các điều khoản được thỏa thuận với đại diện của họ.
13. Tăng cường công việc của Nhóm liên lạc ba bên bao gồm các đại diện của Nga, Ukraine và OSCE.
Mai Vân (theo Reuters)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-thoa-thuan-minsk-ve-xung-dot-ukraine-la-gi-post182508.html