Các thuốc ảnh hưởng đến hiến máu

Hiến máu là một nghĩa cử tốt đẹp, cần được khuyến khích và nhân rộng trong cộng đồng, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay khi nguồn máu đang khan hiếm. Mặc dù vậy, người hiến cũng cần lưu ý nếu đang sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến máu và người nhận máu.

Ảnh hưởng của một số loại thuốc đến việc hiến máu

Việc sử dụng thuốc trong cộng đồng là rất phổ biến, có thể dùng thuốc theo toa hoặc mua thuốc không kê đơn tại nhà thuốc, để điều trị các tình trạng bệnh cấp tính và mạn tính. Tuy nhiên, có những loại thuốc mà khi một người đang sử dụng, thì người đó không được tham gia hiến máu hoặc phải trì hoãn việc hiến máu trong một khoảng thời gian nhất định.

Nguyên nhân cho việc này có thể xếp thành hai nhóm chính:

Thuốc ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn máu: Các thuốc ức chế chức năng tiểu cầu (aspirin, clopidogrel...).

Thuốc ảnh hưởng có hại cho người nhận: Các thuốc có thể gây quái thai và gây độc về di truyền (như dutasteride, finasteride, acitretin...) hoặc các thuốc có thể gây bệnh cho người nhận (như hormon tăng trưởng chiết xuất từ tuyến yên, insulin chiết xuất từ bò,...).

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình hiến máu.

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình hiến máu.

Các thuốc cần lưu ý trước khi tham gia hiến máu

Hormon chiết xuất từ tuyến yên: Được sử dụng để điều trị tình trạng chậm phát triển ở người thiếu hụt hormon tăng trưởng. Một số bệnh nhân sử dụng sản phẩm này gặp phải bệnh lý gọi là bệnh Creutzfeldt-Jakob, gây thoái hóa thần kinh trung ương hiếm gặp. Người điều trị với hormon này vĩnh viễn không được hiến máu để tránh nguy cơ gây bệnh cho người nhận.

Insulin chiết xuất từ bò: Khi sử dụng insulin nguồn gốc từ bò, có lo ngại rằng người bệnh có thể bị lây truyền bệnh bò điên (mad cow disease), và có thể lây truyền tiếp cho người nhận khi hiến máu. Đây là lý do mà các tổ chức y tế khuyến cáo người sử dụng insulin nguồn gốc từ bò không được hiến máu. Điều đáng mừng là hiện nay các sản phẩm insulin trên thị trường đều là insulin người tái tổ hợp gene, không còn các sản phẩm insulin từ động vật nữa.

Các retinoid: Các retinoid là dẫn xuất tổng hợp của vitamin A, được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý về da liễu như mụn trứng cá, eczema, vẩy nến... với các hoạt chất như: tretinoin, isotretinoin, acitretin, etretinate. Đây là các thuốc có khả năng gây quái thai cao nhất ở người (cùng với thalidomide), và chống chỉ định tuyệt đối trong thai kỳ và ở những phụ nữ có ý định mang thai. Do đó, người bệnh dùng thuốc acitretin và etretinate sẽ không được hiến máu; còn nếu dùng tretinoin và isotretinoin thì phải trì hoãn hiến máu trong 3 tháng kể từ khi ngừng thuốc.

Thuốc trị bệnh tăng sản lành tính tiền liệt tuyến: Dutasteride và finasteride là các thuốc dùng để điều trị bệnh tăng sản lành tính tuyến tiến liệt, với cơ chế ức chế enzyme 5-alpha redutase, do đó ngăn cản sự biến đổi testosteron thành 5-alpha-dihydrotestosteron (DHT), là androgen đóng vai trò chính trong sự tăng sản của mô tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu tiền lâm sàng gợi ý rằng sự ức chế DHT tuần hoàn có thể ức chế sự phát triển cơ quan sinh dục ngoài ở bào thai bé trai khi người mẹ phơi nhiễm với dutasteride hoặc finasteride. Do đó, nam giới sử dụng dutasteride thì cần trì hoãn hiến máu 12 tháng và sử dụng finasteride thì trì hoãn 3 tháng để thuốc có thể thải trừ hết ra khỏi cơ thể, tránh nguy cơ máu chứa thuốc sẽ được truyền cho một phụ nữ mang thai mà bào thai là bé trai.

Kháng thể chống viêm gan B: Được sử dụng để dự phòng nhiễm viêm gan B sau khi phơi nhiễm với bệnh. Tuy nhiên, thuốc không phải có hiệu quả trong mọi trường hợp. Do đó, người hiến máu đã sử dụng kháng thể chống viêm gan B cần phải trì hoãn việc hiến máu trong 12 tháng, để xét nghiệm lại đảm bảo rằng thuốc đã có hiệu quả và người hiến đã không nhiễm viêm gan B.

Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu: Các thuốc này ức chế chức năng kết tập của tiểu cầu, bao gồm aspirin, clopidogrel, ticlopidine và piroxicam, do đó cần trì hoãn việc hiến tiểu cầu bằng gạn tách trong 7 ngày; tuy nhiên, người sử dụng thuốc vẫn có thể hiến máu toàn phần khi cần thiết.

DS. Phạm Công Khanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-anh-huong-den-hien-mau-n174336.html