Các thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng, dùng thế nào cho đúng?

Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh mạn tính, tiến triển có tính chất chu kỳ. Bệnh xảy ra do mất cân bằng giữa yếu tố tấn công (HCL, pepsin) và yếu tố bảo vệ (lớp nhầy, bicarbonate, lớp tế bào biểu mô và dòng máu tươi cho niêm mạc dạ dày). Điều trị bệnh phải kiên trì, dùng thuốc đúng và đủ...

1. Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

Có nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng như:

- Nhiễm vi khuẩn H.pylori gây phá vỡ các cầu nối liên tế bào biểu mô và tiết ra các chất ngăn cản quá trình tổng hợp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày.

- Do tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc corticoid và các nhóm kháng viêm không steroid...

- Do căng thẳng thần kinh gây tăng tiết dịch vị, co mạch gây thiếu máu niêm mạc dạ dày dẫn đến giảm sự tái tạo niêm mạc và tổng hợp chất nhầy.

- Do chế độ ăn uống không điều độ hoặc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá; ăn nhiều cay chua...

Vị trí loét dạ dày tá tràng.

Vị trí loét dạ dày tá tràng.

2. Triệu chứng loét dạ dày tá tràng

Triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng rất đa dạng, phụ thuộc vào thời kỳ bệnh tiến triển, vị trí ổ loét, có biến chứng hay không.

Các biểu hiện chính bao gồm:

Đau thượng vị, thường có tính chất chu kỳ lúc đói, giảm đau sau ăn và đau trở lại sau ăn 2 - 4 giờ. Cảm giác đau thường cồn cào, nóng rát, âm ỉ.
Nôn và buồn nôn kể cả lúc đói. Nếu nôn ra thức ăn cũ cần kiểm tra xem có hẹp môn vị hay không.
Ợ hơi, ợ nóng hay gặp trong loét dạ dày; ợ chua hay gặp trong loét tá tràng nhất là trong đợt tiến triển.
Bụng chướng hơi, đau dọc khung đại tràng, táo bón. Biểu hiện trong loét dạ dày ít hơn trong loét hành tá tràng.

Nội soi tìm vị trí loét dạ dày - tá tràng

Nội soi tìm vị trí loét dạ dày - tá tràng

Trong dùng thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng cần phải kiên trì, theo nguyên tắc: Đủ thuốc, đủ liều lượng, đủ thời gian, chú ý đến tính cá thể của người bệnh...

3. Các biện pháp điều trị loét dạ dày tá tràng

Trước khi dùng bất kỳ biện pháp điều trị nào, bệnh nhân cần được khám lâm sàng, cận lâm sàng tại chuyên khoa tiêu hóa. Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.

3.1 Dùng thuốc

Trong thực tế lâm sàng, có tới 50% loét dạ dày và 90% loét hành tá tràng là do vi khuẩn H.pylori. Tuy nhiên vẫn cần làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh có dương tính với H.pylori.

Khi đã xác định nguyên nhân do H.pylori, cần dùng phác đồ điều trị H.pylori, bao gồm:

-Kháng sinh: Amoxicilin, metronidazol, clarithromycin, tetracyclin.

Có thể phối hợp: Amoxiclin + metronidazol; amoxiclin + clarithromycin hoặc metronidazol + clarithromycin.

Cần phối hợp kháng sinh với bismuth hoặc nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) để hiệu quả diệt H.pylori của kháng sinh cao hơn.

Lưu ý: Dùng thuốcphải đủ liều lượng, đủ thời gian 14 ngày và phối hợp kháng sinh để chống kháng thuốc của H.pylori. Tuy nhiên, hiện nay phác đồ 3 thuốc (phối hợp 2 kháng sinh + proton) hoặc phác đồ 4 thuốc (2 kháng sinh + proton + bismuth) có tỉ lệ kháng thuốc khá cao, đặc biệt ở bệnh nhân tái nhiễm vi khuẩn H.pylori, do đó việc dùng phác đồ nào cần dựa trên từng cá nhân.

- Ngoài các thuốc diệt trừ H.pylori, tùy trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc thuốc giảm co thắt, giúp giảm đau (atropin sulphat, papaverin...), thuốc tăng cường yếu tố bảo vệ và giúp ổ loét mau lành (như thuốc trung hòa acid chứa magiê, nhôm, gastropulgit); thuốc giảm acid (kháng histamin H2 như cimetidin, famotidin, ranitidin), ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày (misoprostol)...

3.2 Một số biện pháp khác

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp sau:

- Chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, không ăn quá no hoặc để quá đói; hạn chế rượu bia, chua cay, cà phê, thuốc lá…

- Sinh hoạt, làm việc hợp lý, tránh stress.

- Chú ý khi dùng thuốc điều trị bệnh khác (là yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày), nhất là nhóm hạ sốt, giảm đau, chống viêm dễ gây chảy máu ổ loét.

- Với loét dạ dày, người bệnh nên nội soi dạ dày định kỳ để phát hiện sớm biến chứng.

- Ngoại khoa: Vấn đề điều trị ngoại khoa loét dạ dày tá tràng có chỉ định rất hạn chế do những biến chứng sau mổ cắt dạ dày. Chỉ định mổ tuyệt đối khi có biến chứng thủng ổ loét, hẹp môn vị, ung thư hóa.

Với biến chứng chảy máu ổ loét, chỉ mổ cấp cứu khi điều trị nội khoa đúng phương pháp mà không cầm được máu.

BS.Lê Anh Tiến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-loet-da-day-ta-trang-dung-the-nao-cho-dung-169230104111706529.htm