Thực hư phương pháp tiêm tinh trùng cá hồi để làm đẹp da

Polynucleotide, chất tiêm tạo ra từ DNA có nguồn gốc từ tinh dịch cá, là phương pháp làm đẹp gây chú ý, từng được Kim Kardashian lăng xê.

 Kim Kardashian từng công khai mình tiêm tinh trùng cá hồi để làm đẹp da. Ảnh minh họa: @kimkardashian.

Kim Kardashian từng công khai mình tiêm tinh trùng cá hồi để làm đẹp da. Ảnh minh họa: @kimkardashian.

Bài viết dựa trên trải nghiệm của Fiona Embleton, Phó giám đốc mảng Làm đẹp tại tạp chí Glamour UK.

Vào tháng 1, khi đang nghiên cứu các phương pháp điều trị thẩm mỹ phổ biến trong năm 2024, tôi đã nói chuyện với Ash Soni, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo kiêm người sáng lập trung tâm thẩm mỹ The Soni Clinic (Vương quốc Anh). Ông cho hay polynucleotide đang là chủ đề nóng trong ngành làm đẹp.

Hiện ông đang thực hiện hơn 250 ca tiêm polynucleotide mỗi tháng, đặc biệt là vùng xung quanh mắt vốn là vùng nổi tiếng khó điều trị cho những ai không phù hợp với filler. Đáng chú ý, trong một tập gần đây của phim truyền hình thực tế The Kardashians, Kim Kardashian đã tiết lộ rằng cô đã tiêm tinh trùng cá hồi (polynucleotide) lên mặt.

Là một người bị quầng thâm mắt và hốc mắt trũng sâu, tôi thấy tò mò về polynucleotide. Song chúng thực chất là gì và có thực sự hiệu quả như quảng cáo không?

 Fiona Embleton, phó giám đốc mảng Làm đẹp tại Glamour UK. Ảnh: Fiona Embleton.

Fiona Embleton, phó giám đốc mảng Làm đẹp tại Glamour UK. Ảnh: Fiona Embleton.

Polynucleotide là gì

Sau đại dịch, tôi cảm thấy già nua hơn hẳn với quầng thâm mắt và làn da chảy xệ. Là một biên tập viên mảng Làm đẹp, tôi cảm thấy áp lực với vẻ ngoài của mình.

Thực tế, tôi chưa từng tiêm chất làm đẹp nào. Tôi từng cân nhắc đến botox hay filler nhưng không thực hiện, vì không muốn thay đổi khuôn mặt quá nhiều.

Email quảng cáo về polynucleotide tràn ngập hộp thư của tôi trong nhiều tháng, nhưng nỗi sợ kim tiêm, đặc biệt là tiêm vào quanh mắt, đã kìm hãm tôi lại. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc và được tư vấn kỹ càng bởi bác sĩ Soni, tôi quyết định thử phương pháp làm đẹp này.

Bác sĩ Soni cho hay polynucleotide thực chất được tạo thành từ các đoạn DNA của cá, chủ yếu được thu thập từ cá hồi hoang dã hoặc tinh dịch cá hồi, được xử lý kỹ càng trước khi tiêm vào da.

DNA cá được sử dụng để làm đẹp da vì chúng giống với DNA của con người và chứa protein tinh khiết với khả năng hỗ trợ tái tạo mô, khuyến khích các tế bào trẻ hóa. Bác sĩ Soni cho hay phương pháp điều trị này đã được nghiên cứu từ những năm 1980 để tăng cường khả năng chữa lành vết thương.

Polynucleotide có thể được sử dụng cho nhiều người vì chúng phù hợp với nhiều vùng da khác nhau.

Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc tiền sử bệnh lý và các yếu tố tâm lý trước khi điều trị. Polynucleotide cũng không phù hợp với người ăn chay, thuần chay, người bị dị ứng với cá, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra, chúng có thể được kết hợp với các chất tiêm như botox, profhilo và các phương pháp điều trị như vi kim.

Chi phí cho mỗi buổi tiêm polynucleotide thông thường dao động từ 500-800 bảng Anh tùy thuộc vào vùng da điều trị và nhà cung cấp.

 Ash Soni, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo kiêm người sáng lập trung tâm thẩm mỹ The Soni Clinic (Vương quốc Anh). Ảnh: @thesoniclinic.

Ash Soni, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo kiêm người sáng lập trung tâm thẩm mỹ The Soni Clinic (Vương quốc Anh). Ảnh: @thesoniclinic.

Quá trình tiêm

Mục tiêu chính của polynucleotide là để tăng cường collagen, cải thiện quá trình tái tạo đồng thời phục hồi tông màu và độ đàn hồi của da. Ngoài ra, chúng còn có thêm tác dụng chống oxy hóa, dưỡng ẩm, chống viêm và giúp điều trị sắc tố.

Liệu trình điều trị cần 2-3 buổi, cách nhau từ 2-4 tuần. Theo bác sĩ Soni, hiệu quả sẽ đến nhanh chóng sau buổi đầu tiên nhưng buổi thứ hai mới thực sự nhìn thấy thay đổi rõ rệt. Polynucleotide tiếp tục phát huy tác dụng trong tối đa 12 tuần.

Trong trường hợp của tôi, polynucleotide sẽ được tiêm chủ yếu dưới xương gò má và rãnh lệ. Bác sĩ Soni giải thích rằng nhiều người có bọng mắt hoặc mô thiếu độ đàn hồi không phải là ứng cử viên cho filler, nhưng polynucleotide là một giải pháp thay thế tuyệt vời.

Fiona Embleton được massage bằng túi chườm đá và sau đó tiêm mũi đầu tiên. Ảnh: GLAMOUR.

Fiona Embleton được massage bằng túi chườm đá và sau đó tiêm mũi đầu tiên. Ảnh: GLAMOUR.

Đầu tiên, tôi được bác sĩ bôi kem gây tê lên mặt trước khi massage bằng túi chườm đá vì polynucleotide không chứa thuốc gây tê tại chỗ. Polynucleotide chỉ được tiêm vào các lớp bề mặt của da nên có tôi có cảm thấy nhói nhẹ khi kim đâm vào da và sau đó là cảm giác châm chích trong vài giây.

Quy trình này mất không quá năm phút trước khi bác sĩ chuyển sang vùng dưới mắt của tôi. Đối với vùng này, bác sĩ Soni sử dụng cannula (ống nhựa mềm bọc ngoài phần kim tiêm sắt) giúp giảm thời gian hồi phục, bầm tím và sưng tốt hơn so với tiêm kim thông thường.

Khuôn mặt Fiona Embleton ngay sau khi tiêm mũi polynucleotide đầu tiên và một tiếng sau khi tiêm mũi thứ ba vào vùng dưới mắt. Ảnh: GLAMOUR.

Khuôn mặt Fiona Embleton ngay sau khi tiêm mũi polynucleotide đầu tiên và một tiếng sau khi tiêm mũi thứ ba vào vùng dưới mắt. Ảnh: GLAMOUR.

Ngay sau đó, da tôi đỏ lên ở các điểm tiêm. Bác sĩ có trấn an tôi rằng sưng và bầm tím nhẹ, nếu có, là bình thường cũng như hiếm có phản ứng hay tác dụng phụ xảy ra với loại thuốc tiêm này. Khi tôi về đến nhà, các vết đỏ đã gần như biến mất hoàn toàn và vết sưng ở đỉnh má cũng giảm đáng kể.

 Sau khi tiêm, mọi người nên dưỡng da nhẹ nhàng và tránh tiếp xúc nơi có nhiệt độ quá cao. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Sau khi tiêm, mọi người nên dưỡng da nhẹ nhàng và tránh tiếp xúc nơi có nhiệt độ quá cao. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Chăm sóc hậu tiêm

Để giảm những vết sưng còn sót lại, tôi áp lên mặt thanh lăn đá lạnh và kê thêm một chiếc gối dưới đầu trong vài đêm để ngăn ngừa tích tụ dịch.

Sau khi điều trị, tôi được khuyên tránh sử dụng các mỹ phẩm thành phần mạnh như retinol trong vài ngày vì da có thể nhạy cảm.

Tôi được hướng dẫn tránh nhiệt độ cực cao từ các phòng xông hơi và tập thể dục mạnh trong 48-72 giờ trong khi chờ polynucleotide ổn định lại trên da.

Ngoài ra, tôi cũng được khuyên không nên uống thực phẩm bổ sung Omega-3 vài ngày trước và sau khi tiêm vì nó có thể làm loãng máu và làm tăng nguy cơ bầm tím.

Đêm đầu tiên, tôi có thoa kem và serum DeliKate Recovery của Kate Somerville để làm dịu da. Tuy nhiên, bác sĩ Soni khuyên tôi nên chuyển sang Alastin Restorative Skin Complex và Eye Complex để có kết quả tốt hơn vì chúng chứa peptide giúp tăng cường collagen và elastin.

 Fiona Embleton hai tuần sau khi tiêm polynucleotide. Ảnh: GLAMOUR.

Fiona Embleton hai tuần sau khi tiêm polynucleotide. Ảnh: GLAMOUR.

Kết quả

Tôi tiếp tục thực hiện thêm hai lần điều trị bằng polynucleotide, một lần tương tự buổi đầu, trong khi lần điều trị cuối cùng chỉ tập trung vùng dưới mắt.

Không giống với filler, kết quả tiêm polynucleotide không đến ngay lập tức và thời gian hiệu quả khác nhau tùy từng người.

Bác sĩ Soni đã chụp ảnh trước và sau mỗi lần điều trị để đánh dấu tiến trình của tôi. Ông cho biết phản ứng của tôi với chất tiêm rất nhanh.

Trung bình, hiệu quả của polynucleotide kéo dài từ 6-7 tháng. Sau thời gian đó, mọi người sẽ cần hai buổi tiêm dặm để duy trì kết quả.

Trong hai tuần tiếp theo, tôi nhận thấy ít vết chân chim ở mắt hơn và da săn chắc hơn. Sau khoảng sáu tuần, da tôi trông sáng hơn và sắc tố trên má tôi đã mờ đi. Tôi vẫn trông giống mình nhưng vào của khoảng 2019.

Sự thay đổi trên khuôn mặt của Fiona Embleton sau một thời gian tiêm polynucleotide. Ảnh: GLAMOUR.

Sự thay đổi trên khuôn mặt của Fiona Embleton sau một thời gian tiêm polynucleotide. Ảnh: GLAMOUR.

Tôi đã không cần sử dụng kem che khuyết điểm kể từ đó. Dù má trở nên căng mọng hơn, tôi vẫn trông đầy đặn một cách tự nhiên. Tôi hài lòng với kết quả vì chúng hoàn toàn vượt quá mong đợi của tôi. Tôi cũng tự tin hơn vì nhận được nhiều lời khen hơn từ mọi người xung quanh. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng polynucleotide.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thuc-hu-phuong-phap-tiem-tinh-trung-ca-hoi-de-lam-dep-da-post1499408.html