Các thuốc giả mới bị phát hiện chủ yếu được bán trên mạng

Trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí chiều 17/4, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, các loại thuốc giả vừa bị Công an Thanh Hóa phát hiện chủ yếu được bán trên mạng, chưa phát hiện có tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân cách tra cứu thông tin thuốc.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân cách tra cứu thông tin thuốc.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho biết, các sản phẩm mà cơ quan Công an Thanh Hóa phát hiện do các đối tượng làm giả không xâm nhập được vào trong hệ thống các bệnh viện công lập nên không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.

Trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan Công an thu giữ có bốn loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion); còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

21 loại sản phẩm này được sản xuất tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang. Cục Quản lý dược đang phối hợp cơ quan chức năng làm rõ thị trường chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm này.

Tang vật vụ thuốc giả vừa bị Công an Thanh Hóa triệt phá.

Tang vật vụ thuốc giả vừa bị Công an Thanh Hóa triệt phá.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh; do vậy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt được quy định tại Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật Dược (Điều 6) và phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Theo đó, người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ 2 năm tù, cao nhất là tử hình.

Để bảo đảm chất lượng thuốc, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hoạt động tiền kiểm cũng như hậu kiểm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, trong đó hai bộ sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Việc đấu tranh phòng, chống thuốc giả luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không của riêng ngành y tế. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành thông qua Ban Chỉ đạo 389 đã triển khai hàng loạt các hoạt động phòng, chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%. Trong năm 2023-2024 một số địa phương như: Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả, Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo các Sở Y tế chủ động phối hợp Ban Chỉ đạo 389, Công an, Quản lý thị trường… tập trung đấu tranh phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định Pháp luật.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng trao đổi với các cơ quan báo chí.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng trao đổi với các cơ quan báo chí.

Trước đó, ngày 9/1/2025, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) và Thanh tra Bộ Y tế phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C03), Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an tổ chức cuộc họp tăng cường công tác phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ với Sở Y tế một số địa phương như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam... Các đơn vị đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Cục quản lý dược cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trước khi mua bất cứ loại thuốc nào cũng có thể tra cứu tại https://dichvucong.dav.gov.vn sẽ có đầy đủ thông tin liên quan như: nhà sản xuất, số đăng ký lưu hành.

Nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và phòng ngừa việc sản xuất, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả; bảo đảm chất lượng, an toàn, tác dụng và hiệu quả điều trị cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Đặc biệt chỉ đạo các cơ quan chức năng (Ban Chỉ đạo 389, Công an, quản lý thị trường, ngành y tế…) mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó, chú trọng điều tra, phát hiện các cơ sở, đối tượng sản xuất thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc đầu mối tập kết, phân phối các loại thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược, chú trọng đến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe do cơ sở kinh doanh, trường hợp phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe không có nguồn gốc xuất xứ hợp lệ, cần phối hợp ngành y tế xác minh nguồn gốc, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện các sai phạm, phối hợp các cơ quan quản lý về thông tin, truyền thông tại địa phương xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Minh Hoàng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cac-thuoc-gia-moi-bi-phat-hien-chu-yeu-duoc-ban-tren-mang-post873238.html