Các thuốc giảm đau opioid rất dễ bị lạm dụng và gây nghiện

Các thuốc giảm đau opioid như hydrocodone, oxycodone, codeine hoặc morphine... được kê đơn sử dụng để điều trị một số loại đau cấp tính và mạn tính từ trung bình đến nặng, nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, mà đáng chú ý nhất là gây nghiện.

Để hạn chế hoặc tránh các bất lợi nghiêm trọng này, khi kê đơn thuốc trị đau cho bệnh nhân, bác sĩ cần cân nhắc: Bệnh nhân đã cần dùng tới các thuốc opioid giảm đau hay chưa? Dùng opioid có phù hợp với thực trạng bệnh nhân hay không? Có thể dùng thuốc giảm đau nonopioid (không opioid) nào để thay thế không?

Khi các thuốc giảm đau opioid là cách tốt nhất để kiểm soát cơn đau, cần kê đơn liều thấp nhất và số lượng nhỏ nhất người bệnh cần; thông báo các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra và làm thế nào để giảm nguy cơ tác dụng phụ tiềm ẩn; khi nào và làm thế nào để dừng hoặc giảm dần việc sử dụng thuốc...

Uống opioid chính xác theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp vẫn còn đau cần trao đổi với bác sĩ. Không được tự ý uống tăng liều.

Người bệnh cần nhận diện được các tác dụng phụ của thuốc như: Buồn ngủ quá mức hoặc thèm thuốc hơn... Thông báo cho bác sĩ biết nếu gặp các bất lợi này; cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng (đi kèm với thuốc) để biết các thông tin chi tiết về thuốc và cách sử dụng.

Thông báo cho bác sĩ biết nếu: Bản thân hoặc bất cứ ai trong gia đình có vấn đề với lạm dụng chất gây nghiện hoặc nghiện ma túy hoặc rượu, hoặc có tiền sử hút thuốc lá...; tất cả các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, đặc biệt là những loại thuốc được kê đơn để điều trị chứng lo âu, khó ngủ hoặc co giật, vì ngay cả các loại thuốc bạn chỉ thỉnh thoảng dùng cũng có thể tương tác bất lợi với thuốc opioid.

Cần cất trữ các thuốc này xa tầm với của trẻ và có hộp khóa. Vì một liều opioid của người lớn có thể gây ra quá liều và tử vong ở trẻ em.

Bích Ngọc

((Theo Drug, 5/2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/e-tranh-lam-dung-va-nghien-cac-thuoc-giam-dau-opioid-n174742.html