Các thuốc trị mụn ở lưng

Mụn ở lưng gây khó chịu, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người mắc. Việc xử lý đúng cách có thể giúp giảm mụn, mang lại làn da sáng và khỏe mạnh hơn.

1. Nguyên nhân gây mụn ở lưng

Mụn ở lưng là kết quả của sự tích tụ các tế bào da chết và bã nhờn trong lỗ chân lông trên da, kết hợp với sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn da phổ biến là Cutibacterium acnes, gây ra phản ứng viêm và thay đổi sự sản sinh chất béo, hoạt động tiết bã gây nên mụn viêm.

Một số yếu tố có thể làm gia tăng tình trạng mụn ở lưng: Nội tiết tố, thuốc, căng thẳng... Mụn ở lưng thường liên quan đến các hoạt động thể thao khiến mồ hôi tăng lên và ma sát từ trang phục, dụng cụ thể thao.

Có nhiều loại mụn, bao gồm: Mụn đầu trắng, mụn đầu đen, nốt sẩn, mụn mủ, u nang... Tùy theo từng loại mụn, từng tình trạng bệnh, thể trạng của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

Mụn ở lưng và vai thường liên quan đến các hoạt động thể thao khiến mồ hôi tăng lên.

Mụn ở lưng và vai thường liên quan đến các hoạt động thể thao khiến mồ hôi tăng lên.

2. Cách điều trị mụn lưng

2.1. Điều trị không dùng thuốc

- Chăm sóc da: Chọn sữa tắm không gây mụn hoặc không chứa dầu, hạn chế sử dụng xà phòng kháng khuẩn, chất làm se lỗ chân lông và chất tẩy tế bào chết để tránh làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Chà sát da nhẹ nhàng để tránh tình trạng mụn nặng hơn.

- Tắm sau khi tập luyện:Nhiệt độ và độ ẩm thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, do đó nên tắm ngay sau khi tập luyện. Nếu không thể tắm ngay, hãy sử dụng khăn lau không chứa dầu để loại bỏ càng nhiều mồ hôi trên cơ thể càng tốt, sau đó thay quần áo sạch.

- Không nặn các tổn thương: Việc nặn mụn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn, làm tổn thương da, lâu dần có thể hình thành các đốm nâu và sẹo.

- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời:Tia cực tím (UV) của mặt trời có thể làm đen mụn, gây ra sẹo trên lưng và cơ thể. Luôn bôi kem chống nắng theo chỉ dẫn. Điều này không chỉ cải thiện mụn mà còn có thể giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, ung thư da.

- Thường xuyên thay ga trải giường:Tạo thói quen thay hoặc giặt ga trải giường một hoặc hai lần một tuần, nhất là với người có thói quen ngủ ngửa. Điều này loại bỏ vi khuẩn và tế bào da chết khỏi ga trải giường, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, kéo dài tình trạng mụn lưng.

Trị mụn ở lưng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Trị mụn ở lưng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.

2.2. Điều trị bằng thuốc

Thuốc không kê đơn

Để điều trị mụn lưng nhẹ, có thể sử dụng các loại kem và gel trị mụn không kê đơn có chứa các thành phần như benzoyl peroxide, resorcinol, axit salicylic và lưu huỳnh. Các sản phẩm này giúp loại bỏ các vết thâm, ngăn ngừa mụn mới xuất hiện.

Ngoài ra, việc sử dụng sữa tắm có chứa axit salicylic cũng giúp thông thoáng lỗ chân lông, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.

Thuốc kê đơn

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mụn lưng, có thể lựa chọn:

- Retinoid tại chỗ: Liệu pháp retinoid tại chỗ tác động lên các tế bào sừng nang lông để ngăn chặn quá trình hình thành quá mức và tắc nghẽn nang lông. Tuy nhiên, sử dụng retinoid có thể gây kích ứng, ban đỏ, đóng vảy.

- Thuốc kháng sinh: Có thể dùng kháng sinh đường uống khi điều trị tại chỗ không hiệu quả hoặc trong trường hợp bị mụn trứng cá ở lưng từ trung bình đến nặng. Các loại kháng sinh đường uống bao gồm: Tetracycline, minocycline, doxycycline, erythromycin...

Lưu ý, việc dùng thêm các thuốc bôi ngoài da kết hợp với kháng sinh đường uống sẽ hiệu quả hơn một trong hai loại thuốc được sử dụng đơn lẻ.

- Thuốc tránh thai kết hợp (ở phụ nữ): Việc sử dụng thuốc tránh thai có hiệu quả ở phụ nữ bị mụn trứng cá ở lưng. Các loại thuốc nhóm này làm giảm mức testosterone tự do bằng cách tăng globulin liên kết hormone sinh dục.

- Isotretinoin: Thuốc này làm thay đổi quá trình sừng hóa nang lông bất thường, giảm sản xuất bã nhờn, giảm sự xâm nhập của vi khuẩn P. acnes (gây mụn) và chống viêm hiệu quả.

Tuy nhiên khi sử dụng cần lưu ý một số tác dụng phụ nguy hiểm như gây quái thai, tăng triglycerid máu, viêm tụy, nhiễm độc gan, rối loạn chức năng máu, tăng tiết máu, đóng vảy tiết sớm, quáng gà, khô mắt, viêm da…

3. Cách phòng tránh mụn ở lưng

Có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ mắc mụn ở lưng:

- Tránh một số loại thuốc: Nên tránh dùng một số loại thuốc làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá như androgen và lithium. Cần trao đổi với bác sĩ để có lựa chọn điều trị thay thế.

- Hạn chế sử dụng các sản phẩm chăm sóc da gốc dầu như kem dưỡng ẩm và mỹ phẩm... Nên chọn các sản phẩm không có nguy cơ làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

- Loại bỏ áp lực lên lưng:Bất cứ thứ gì làm tăng tiết mồ hôi và ma sát ở lưng (như ba lô, đồ dùng thể thao và đai lưng) đều có thể gây ra mụn lưng. Do đó, nên chọn một chiếc ba lô nhẹ và vừa vặn để giảm thiểu ma sát và kích ứng.

- Mặc quần áo sạch:Quần áo bẩn chứa mồ hôi, dầu và bụi bẩn, gây kích ứng da, góp phần gây mụn trứng cá. Tốt nhất là mặc quần áo rộng rãi trong khi tập thể dục, thay quần áo sau khi tập luyện.

Cách chăm sóc da ngày hè đơn giản.

BS. Đặng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-tri-mun-o-lung-169240716130511896.htm