Các thương vụ khổng lồ giúp thị trường M&A toàn cầu sôi động trở lại
Hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu nhộn nhịp trở lại trong quí 1-2024 sau một năm ảm đạm. Số lượng tăng vọt của các thương vụ khổng lồ có quy mô 10 tỉ đô la Mỹ trở lên là điểm nhấn của thị trường M&A trong những tháng đầu năm.
Tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu, giảm sâu ở châu Á
Theo dữ liệu mới nhất của Dealogic, tổng giá trị của các thương vụ M&A trên toàn cầu tăng 30% lên 755,1 tỉ đô la Mỹ trong quí 1. Trong số này, có 14 thương vụ giá trị từ 10 tỉ đô la trở lên, tăng mạnh so với 5 thương vụ vào cùng kỳ năm ngoái.
Nổi bật trong số này các thương vụ ở Mỹ gồm, ngân hàng Capital One (Mỹ) mua lại Công ty dịch vụ tài chính Discover Financial với giá 35,3 tỉ đô la, Synopsys (Mỹ) thâu tóm đối thủ phần mềm thiết kế Ansys với giá 35 tỉ đô la. Ngoài ra, Mỹ cũng chứng kiến thương vụ sáp nhập trị giá 26 tỉ đô la giữa hai công ty năng lượng Diamondback Energy và Endeavour Energy.
Theo các ngân hàng đầu tư, niềm tin của hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp đối với hoạt động M&A đang cải thiện nhờ thu nhập tăng mạnh. Đông thời, triển vọng các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất trong năm nay và thị trường chứng khoán sôi động.
Tyler Dickson, người đứng mảng ngân hàng đầu tư của Citigroup cho rằng, các giao dịch quy mô lớn đang nở rộ khi các công ty tận dụng các điều kiện thuận lợi của thị trường chứng khoán để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, Blair Effron, đồng sáng lập ngân hàng đầu tư Centerview Partners nhận xét: “Khi bạn chứng kiến các giao dịch lớn diễn ra, đó là dấu hiệu trực tiếp hơn nhiều cho thấy sức khỏe của thị trường M&A đang hồi phục. Các hội đồng quản trị và CEO thường sẽ thận trọng hơn khi họ tiếp cận các giao dịch quy mô lớn”.
Giá trị giao dịch M&A ở Mỹ tăng 59% lên 431,8 tỉ đô la trong quí 1. Các giao dịch ở châu Âu tăng 64% nhưng, giao dịch ở châu Á- Thái Bình Dương giảm 40% trong cùng kỳ.
“Các công ty vẫn thận trọng với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các công ty châu Âu thực hiện nhiều giao dịch M&A ở Mỹ hơn để phòng vệ rủi ro ở châu Á”, Jan Weber, người đứng đầu bộ phận M&A phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi ở ngân hàng Morgan Stanley nói.
Lĩnh vực công nghệ theo truyền thống là động lực lớn nhất của thị trường M&A nhưng trải qua tình trạng ảm đạm vào năm ngoái. Kể từ đó, lĩnh vực này phục hồi đáng kể và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thương vụ với giá trị tăng 42% trong quí 1, lên 153,8 tỉ đô la.
Các thương vụ “bom tấn” trong lĩnh vực dầu khí, vốn tăng lên vào cuối năm ngoái và cũng không có dấu hiệu chậm lại. Các thương vụ này chủ yếu được thúc đẩy bởi làn sóng hợp nhất ở lưu vực dầu đá phiến Permian của Mỹ.
Các ngân hàng đầu tư dự báo, hoạt động giao dịch M&A xuyên biên giới sẽ tăng lên trong thời gian tới khi bên mua sẵn sàng xuống tiền cho những thương vụ thâu tóm giúp họ mở rộng sang mảng kinh doanh mới. Theo Dealogic, giá trị giao dịch M&A xuyên biên giới tăng 17% lên 171,7 tỉ đô la trong quí 1.
Giá trị các thương vụ thâu tóm sử dụng đòn bẩy tài chính giảm 7% trong quí 1, xuống còn 91 tỉ đô la sau khi giảm mạnh hồi năm ngoái do chi phí tài chính tăng đột biến. Krishna Veeraraghavan, đồng giám đốc toàn cầu của bộ phân M&A ở hãng luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison cho biết, do môi trường lãi suất cao nên nhiều bên mua và bên bán tài sản vẫn đang ở cách xa nhau trong mức giá mà họ đưa ra.
Tận dụng giá cổ phiếu cao
Thị trường M&A toàn cầu được kỳ vọng phục hồi trong năm nay sau khi lao dốc vào năm ngoái với giá trị giao dịch giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Tâm lý của các công ty có ý định thâu tóm tài sản đang trở nên lạc quan hơn, đặc biệt là sau các thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu thành công của nền tảng mạng xã hội Reddit và Astera Labs. Đây là các nhà cung cấp chip kết nối trung tâm dữ liệu cho các công ty hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Giá cổ phiếu Astera Labs tăng vọt 72% trong ngày giao dịch đầu tiên ở sàn Nasdaq hôm 20-3. Trong khi đó, cổ phiếu Reddit chứng kiến mức tăng giá 42% trong ngày ra mắt sàn giao dịch chứng khoán New York tuần trước.
Trong quí 1, một số công ty lớn đã tận dụng mức định giá cổ phiếu cao của họ để tài trợ cho các giao dịch M&A thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Trong khi đó, một số công ty có mức xếp hạng tín dụng tốt sẵn sàng vay tiền để thâu tóm các tài sản mục tiêu có giá trị cao.
“Gần đây, chúng tôi nhận thấy có nhiều giao dịch M&A bằng cổ phiếu hơn. Thị trường tài chính vẫn chưa sẵn sàng để hỗ trợ các giao dịch lớn bằng tiền mặt. Ngoài ra, với chu kỳ kinh tế hiện tại, đội ngũ quản lý của các công ty không muốn tận dụng đòn bẩy tài chỉnh để thực hiện các thương vụ lớn”, Mark McMaster, người đứng đầu bộ phận M&A toàn cầu của ngân hàng đầu tư Lazard nói.
Các chủ ngân hàng đầu tư và luật sư trong lĩnh vực M&A ghi nhận, số lượng thương vụ mà họ đang thu xếp trong thời gian tới vẫn rất mạnh mẽ. Nhiều bên mua có dồi dào ngân sách đang tích cực theo đuổi các mục tiêu khi mối lo ngại về suy thoái kinh tế lắng xuống.
Ivan Farman, đồng giám đốc M&A toàn cầu ở ngân hàng Bank of America nhận định, kịch bản chính của nền kinh tế Mỹ trong năm nay là “hạ cánh mềm” với lạm phát được kiểm soát. Điều này giúp hội đồng quản trị và đội ngũ quản lý của các công ty cảm thấy yên tâm hơn về tương lai. Đó là lúc họ có nhiều khả năng theo đuổi các thương vụ hơn.
Các công ty cũng phớt lờ môi trường chống độc quyền khắc nghiệt để theo đuổi các thương vụ lớn. Họ ngày càng tự tin vào khả năng giành chiến thắng trong các vụ kiện chống độc quyền tiềm ẩn của cơ quan quản lý liên quan đến hoạt động thâu tóm.
“Công nghệ là lĩnh vực mà các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ nhất. Tuy nhiên, công nghệ đang phục hồi rõ ràng và dẫn đầu trong hoạt động giao dịch M&A. Điều đó cho thấy các vấn đề pháp lý hiện tại chắc chắn sẽ không phải là trở ngại đối với hoạt động M&A rộng hơn”, Raul Gutierrez, người đứng đầu bộ phận M&A của Truist Securities, nhận xét.
Theo Reuters