Các tiêu chí báo cáo về FDI hiện nay phân tán, chồng chéo gây khó cho doanh nghiệp
Theo ý kiến chuyên gia, các tiêu chí báo cáo về FDI hiện nay phân tán theo yêu cầu khác nhau của từng bộ, ngành, từng địa phương, chồng chéo lẫn nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp FDI trong việc chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý khác nhau.
Thu hút FDI thời gian qua còn một số bất cập
Gần 40 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng và phát triển của Việt Nam.
Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế địa phương có thể dẫn đến thiếu sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.
Ông Lê Anh Dũng, Tổng giám đốc ISC cho biết: Hàng năm, khu vực FDI đóng góp hơn 16% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, 20% GDP, 70% kim ngạch xuất khẩu và 50% sản lượng công nghiệp của Việt Nam.
Cùng với việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với các nước trên thế giới và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong những năm gần đây, Việt Nam chuyển sang thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài ngày càng sôi động. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam. Lãnh đạo nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại khác đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đã tỏ ý định đầu tư vào Việt Nam.
Quy mô vốn và chất lượng các dự án FDI đã tăng lên, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời góp phần nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số bất cập.
Trước hết, phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký cũng là một vấn đề cần được quan tâm xử lý. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp còn có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế…
Để chủ động thu hút FDI có chọn lọc
Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII Đảng cộng sản Việt Nam về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra yêu cầu “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW cũng đặt ra nhiệm vụ: đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài, trong đó có nội dung quan trọng là “chủ động nâng cao chất lượng thu hút và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương, để trở thành một trong các thước đo đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời là chỉ số đánh giá, xếp hạng hiệu quả đầu tư nước ngoài tại các địa phương”.
Việc “Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn” và “Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh” đã được đề cập tại Nghị quyết 50-NQ/TW như một giải pháp nhằm tăng cường thu hút FDI chất lượng cao.
Các tiêu chí báo cáo về FDI hiện nay phân tán theo yêu cầu khác nhau của từng bộ, ngành, từng địa phương, chồng chéo lẫn nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp FDI trong việc chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý khác nhau.
Và chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI một cách toàn diện và thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.
Nhằm hỗ trợ các cơ quan chuyên môn ở địa phương nắm bắt được đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến FDI, Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) ra mắt cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
TS. Ngô Công Thành, Chủ tịch ISC, Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), khi nghiên cứu xây dựng cuốn sổ tay này các chuyên gia ISC đã xác định rõ đối tượng chính cần phục vụ là: Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quản lý đầu tư nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Xây dựng, SởTài chính, Sở LĐTBXH; Ban Quản lý KKT/KCN, Khu công nghệ cao của tỉnh).
"Đây là các đối tượng thường xuyên thay đổi do luân chuyển, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, khó có thể nắm bắt được đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến FDI", TS Ngô Công Thành nói.
Tài liệu này cũng cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương.
Các tiêu chí ISC đưa ra trong cuốn sổ tay này có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở đó có chính sách, giải pháp xử lý kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương và cả nước.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam cũng có thể sử dụng cuốn sổ tay này cho việc chuẩn bị hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của mình và chuẩn bị văn bản báo cáo các cơ quan chức năng tình hình thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định”, theo TS.Ngô Công Thành.
Cuốn sổ tay bao gồm các phần: Phần I: Hướng dẫn áp dụng tiêu chí Thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh. Trong đó có nêu các tiêu chí thẩm định và quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được mô hình hóa, tiện cho cán bộ, công chức nhà nước cũng như nhà đầu tư biết rõ quy trình, tuần tự các bước thực hiện.
Phần II: Hướng dẫn áp dụng tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trong đó có Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.
Hiện hàng năm các địa phương vẫn thực hiện những báo cáo đánh giá chất lượng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Bộ tiêu chí này chính là một công cụ mà các địa phương có thể tham khảo, áp dụng vào việc phân tích, đánh giá đồng thời cũng giúp nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI
trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phần III: Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đang được thực thi. Trong đó đã tóm lược những nội dung cơ bản của các Hiệp định, các cơ hội – thuận lợi – khó khăn khi thực thi.
Phần IV: Các quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam.
Cuốn sổ tay cũng cung cấp thêm danh sách 100 công ty lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa năm 2023 ở phần V.