Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tích cực phòng, chống xâm nhập mặn
Hạn hán, xâm nhập mặn (XNM) không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 nhưng các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lên kế hoạch, phương án ứng phó để bảo vệ sản xuất và đảm bảo nguồn nước ngọt cho dân sinh.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), trong tháng 2/2025, XNM ở ĐBSCL ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45-65km trong các kỳ triều cường. Trong tháng hai, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/lít có khả năng xâm nhập từ 45-60km, so với năm 2024 cao hơn từ 1-3km. XNM ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45-50km trong các kỳ triều cường.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/lít lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-70km. XNM ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60-65km trong các kỳ triều cường. Trên sông Cái Lớn, hiện cống Cái Lớn-Cái Bé đưa vào vận hành nên XNM được kiểm soát. Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo mặn xâm nhập mùa kiệt 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 2 đến 4 là thời kỳ mặn cao, các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp phòng, chống hạn mặn phù hợp.
Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang dự báo tình hình XNM mùa khô 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2023 - 2024. Tuy nhiên, có những lúc xâm nhập mặn cao hơn mùa khô 2023-2024. Tỉnh Tiền Giang đã chủ động đưa ra phương án phòng, chống hạn, mặn để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang là vùng chịu tác động trực tiếp của XNM. Tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo ngăn mặn, đảm bảo nước ngọt tưới cho khoảng 38.400 ha tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.
Còn khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang, những năm gần đây, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Đối với vùng Dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ, tập trung đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng hơn 124.000 ha sản xuất nông nghiệp trong khu vực của tỉnh Tiền Giang và Long An. Tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị tỉnh Long An kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đẩy nhanh tiến độ thi công các cống còn lại trên quốc lộ 62, gồm: Bến Kè, Rạch Chùa, Kênh 12 để cùng với các cống đã được đầu tư đảm bảo ngăn mặn cho hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
Tiền Giang sẽ đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành và các cống trên đường tỉnh 864, gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U, Cây Còng, Hai Tân, Cái Sơn khi độ mặn trên sông Tiền tại vàm kênh Nguyễn Tấn Thành vượt ngưỡng 0,5g/l. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang triển khai các giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Ngành nông nghiệp sẽ tích trữ nước vào các ao chứa, đặc biệt là các khu vực Gò Công, Tân Phú Đông, đồng thời vận hành các giếng khoan và mở các vòi nước công cộng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Theo các kịch bản dự báo hạn, mặn thì mùa khô năm nay, tỉnh Vĩnh Long có hơn 34.400 ha bị nhiễm mặn dưới 8‰. Các địa phương đang tập trung các giải pháp phòng, chống, ứng phó. Trong đó, phát huy tối đa hiệu quả các công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt, chuyển đổi sang các giống cây trồng có tính chống chịu tốt với hạn, mặn; tập trung duy tu sửa chữa các trạm cấp nước nông thôn; tăng cường thiết bị trữ nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM và dòng chảy trên các sông lớn chảy qua địa bàn, gồm: sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Măng Thít,… phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hạn hán, XNM. Đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, XNM phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Văn Liêm (ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) canh tác 15 công sầu riêng. Như mọi năm, thời điểm dịp Tết Nguyên đán và sau Tết mặn thường theo các cửa sông vào. Chính vì vậy, ông Liêm đã chủ động lấy nước và trữ nước tưới cho vườn cây. “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày tôi phải ra sông đo độ mặn để biết cách lấy nước. Cây sầu riêng rất nhạy cảm với độ mặn, không khéo tưới nhầm nước nhiễm mặn cây bị héo lá, rụng trái non”, ông Liêm nói.
Nhằm chủ động phòng, chống hạn, mặn theo các văn bản của Trung ương và thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM mùa khô năm 2024-2025. Kế hoạch còn xây dựng 2 kịch bản (chi tiết giả định) rủi ro thiên tai xảy ra và giải pháp phòng, chống, ứng phó theo từng kịch bản khi các cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu từ 25-50km hoặc khi vào sâu hơn 50km tính từ cửa sông. Với mỗi kịch bản đều có các giải pháp phòng, chống chi tiết cho Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho từng đơn vị và từng địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện.
Mỗi giải pháp đều đáp ứng được yêu cầu tập trung mọi nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư hậu cần tại chỗ để thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống.