Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với thiên tai
Đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, một số tỉnh miền núi phía Bắc đã lên kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai.
Tỉnh Lai Châu có cấu trúc chủ yếu là núi đất xen kẽ các dãy núi đá vôi có dạng địa chất castơ tạo nên các hang động và sông suối ngầm. Mùa mưa thường mưa nhiều (tập trung vào những tháng cao điểm 6, 7, 8), gây lũ quét, sạt lở đất, sụt lún ở nhiều nơi, làm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân, cản trở và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống...
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, dự báo các loại hình thiên tai như dông, lốc, mưa đá, mưa cực đoan, rét hại... xảy ra bất thường, khó dự báo. Vì vậy mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 được tỉnh Lai Châu đề ra luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Cùng với đó, nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành.
Theo ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, ngay tại thời điểm này, huyện Phong Thổ có trên 50 hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đá rơi nên cơ quan chức năng huyện và các xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ di dời ra nơi an toàn để sinh sống; Tuyên truyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa, chính quyền các cấp khuyến cáo bà con không di chuyển gia súc lên nương, rừng để tránh sạt lở, ảnh hưởng tới sản xuất.
Đang vào thời gian cao điểm của mùa mưa lũ năm nay, cùng với việc tích cực tuyên truyền người dân di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, huyện Phong Thổ cũng sẵn sàng các phương án xử lý, ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Chú trọng nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ” để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, năm 2019, toàn tỉnh có 7 người chết, một người bị thương do thiên tai; 594 nhà bị thiệt hại do dông lốc, 19 điểm trường bị hư hỏng, 2381,29 ha lúa bị thiệt hại; 333 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 1.574m kênh bị sạt lở, vùi lấp; 147.567m3 đất, đá sạt lở xuống đường, vùi lấp cống rãnh… thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
Nhận định tình hình thời tiết năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường bởi mới đầu mùa mưa bão 2020, Điện Biên đã thiệt hại hơn 72 tỷ đồng do dông lốc, thiên tai, nên đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả.
Để chủ động ứng phó thiên tai hiệu quả, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng phương án ứng phó kịp thời; thường xuyên kiểm tra, rà soát các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, xói, lở đất, ngập úng... từ đó chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” khắc phục kịp thời hậu quả mưa bão, từ kinh nghiệm của các huyện Nậm Pồ, Điện Biên Đông trong đợt ứng phó mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo xây dựng mô hình điểm đội xung kích phòng chống thiên tai tại một số xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt; các đoàn thể địa phương là thành viên và toàn bộ các gia đình trong xã, bản phải cử người tham gia đội xung kích, để cùng tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả hay ứng cứu. Căn cứ kết quả thực hiện mô hình điểm, địa phương sẽ xem xét nhân rộng mô hình tại tất cả xã, bản trong thời gian tới.
Yên Bái cũng là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt mạnh, núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên tình hình thiên tai diễn ra rất phức tạp và bất thường; vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong nửa đầu năm 2020, tỉnh Yên Bái tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão sắp tới.
Theo ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, tỉnh đã chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp từ tỉnh đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương lập, thực hiện các phương án, kế hoạch về phòng, chống thiên tai.
Tỉnh Yên Bái đầu tư các trang, thiết bị cảnh báo hỗ trợ thu thập thông tin, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng chống thiên tai. Hệ thống cảnh báo hỗ trợ ra quyết định gồm: 38 trạm đo mưa; 5 trạm đo thủy văn. Cuối năm 2019 tỉnh đã lắp đặt một trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng tại thành phố Yên Bái. Ngoài ra, hai hệ thống cảnh báo sớm lũ quét đang thử nghiệm đặt tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố được giao quản lý 10 tuyến đê trên địa bàn tỉnh. Các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, củng cố, kiểm tra và tu sửa khi cần thiết. Các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước được chú trọng nhằm giữ an toàn hệ thống hồ, đập thủy lợi, thủy điện.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiến hành rà soát, xác định những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất để di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Hiện nay 173/173 xã, phường, thị trấn đều có các tổ xung kích phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó ngay khi thiên tai xảy ra.