Các tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (5-7), Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40 đến 80mm/24 giờ; các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có nơi hơn 120mm/24 giờ.

Sạt lở tại đường Trịnh Tường đi Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: TIẾN ÐẠT

Sạt lở tại đường Trịnh Tường đi Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: TIẾN ÐẠT

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (5-7), Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40 đến 80mm/24 giờ; các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có nơi hơn 120mm/24 giờ.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng nhiều tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong hai ngày 3 và 4-7, tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc có mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 30 đến 50 mm; một số nơi mưa rất to như: Pha Ðin (Ðiện Biên) 91 mm, Bát Xát (Lào Cai) 248 mm, Cốc Mỳ 1 (Lào Cai) 199 mm... Mưa lớn gây sạt lở ở nhiều địa phương. Tại Lào Cai, sạt lở 60 m chân đập hồ Nhuần 4 (xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng). Tại tỉnh Lai Châu, mưa lũ, sạt lở đất khiến một người bị thương, một người mất tích; sạt lở 30 m ta-luy dương tỉnh lộ 130 (đã thông xe). Tại Hà Giang, mưa lũ khiến ba nhà bị hư hỏng, sạt lở ta-luy quốc lộ 4C tại km5+300 (đã thông xe); làm hỏng một cầu treo dân sinh tại km6 tỉnh lộ 178 huyện Xín Mần.

Từ ngày 4 đến 5-7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 1 đến 2 m, hạ lưu từ 0,5 đến 1 m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông dưới báo động 1, riêng đỉnh lũ thượng lưu sông Thao ở mức báo động 1.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại khu vực miền núi phía bắc có 523 điểm nguy cơ cao xảy ra lũ quét và 955 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ảnh hưởng đến 56.865 hộ dân.

Mưa lớn, triều cường làm 50 m đê bao ven sông Tiền thuộc xã Tam Hiệp, huyện Bình Ðại (Bến Tre) bị sạt lở, đồng thời xuất hiện nhiều vết nứt trên đoạn đê dài khoảng 150 m. Lực lượng chức năng đang khẩn trương thi công gia cố đoạn đê bị sạt lở.

Các tỉnh Trung Bộ, hiện có hơn 14 nghìn héc-ta cây trồng bị thiếu nước; khoảng 24.300 đến 28.800 ha không đủ nước cho sản xuất, cần giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tại khu vực Nam Trung Bộ cũng có nhiều diện tích không đủ nguồn nước sản xuất cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể: Quảng Ngãi, Phú Yên có 1.000 đến 2.000 ha, Bình Ðịnh 5.000 ha, Khánh Hòa 10 đến 12 nghìn ha, Ninh Thuận 4.000 ha và Bình Thuận 1.000 đến 1.500 ha.

Tỉnh Quảng Trị đã mở van cống xả điều tiết nước từ kênh N1, hồ Ái Tử xuống sông Vĩnh Phước với lưu lượng 20.000 m3/ngày đêm để chống hạn, bổ sung nước cho trạm bơm Tân Lương, TP Ðông Hà. Việc xả nước sẽ bảo đảm tưới cho khoảng 1.000 ha lúa và để Nhà máy nước Tân Lương hoạt động ổn định.

Hiện, toàn tỉnh An Giang có 52 đoạn bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 169 km, trong đó có sáu đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, năm đoạn ở mức độ bình thường.

Hiện, TP Ðà Nẵng có 609 tàu cá dài từ 15 m trở lên; trong đó, 554 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 55 tàu còn lại không lắp do đang nằm bờ. Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, TP Ðà Nẵng đã hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cho các chủ tàu đủ điều kiện.

Tỉnh Thanh Hóa vừa đầu tư các dự án Xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng; xây dựng công trình xử lý khẩn cấp nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) với tổng mức đầu tư hơn 9,9 tỷ đồng. Ðến nay, các dự án đã hoàn thành, tạo điều kiện cho tàu thuyền nghề cá ra vào cảng thuận lợi.

Ðồn Biên phòng Quỳnh Phương (BÐBP Nghệ An) vừa phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và khai thác thủy sản cho hơn 350 chủ tàu cá của ba xã Quỳnh Lập, Quỳnh Dị và Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai). Qua đó giúp ngư dân hiểu rõ pháp luật về thủy sản, tình hình biển đảo; đồng thời được giải đáp những thắc mắc, tránh vi phạm luật trong quá trình khai thác trên biển...

Tỉnh Bình Ðịnh vừa xử phạt vi phạm hành chính 1,8 tỷ đồng đối với hai chủ tàu cá BÐ 93140-TS và BÐ 97244-TS vì đánh bắt thủy sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài (mỗi chủ tàu cá bị xử phạt 900 triệu đồng).

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 5-7, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ở khu vực Trung Trung Bộ trời nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C; có nơi hơn 37 độ C. Ðộ ẩm tương đối thấp, phổ biến 50 đến 60%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 13 đến 16 giờ. Từ ngày 8-7, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt gia tăng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 40 độ C, có nơi hơn 40 độ C.

Từ ngày 6 đến 8-7, các tỉnh Bắc Trung Bộ, đồng bằng và trung du Bắc Bộ có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Từ ngày 9-7, nắng nóng sẽ gia tăng ở Bắc Bộ, vùng đồng bằng trung du có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 39 độ C, có nơi hơn 39 độ C.

Thủ đô Hà Nội từ ngày 6 đến 8-7, có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 37 độ C; từ ngày 9-7, nắng nóng và nắng nóng gay gắt gia tăng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 39 độ C, có nơi hơn 39 độ C.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-tinh-mien-nui-phia-bac-tiep-tuc-co-mua-to-den-rat-to-607487/