Các tỉnh miền Tây cần nguồn vốn cấp bách khắc phục sạt lở
Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở, Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 13.400 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, Chính phủ mới bổ sung 4.000 tỷ đồng cho các địa phương chủ động triển khai chống sạt lở.
Hai tỉnh đầu nguồn sạt lở nặng nề
Nếu so với các địa phương khác trong vùng thì hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long là Đồng Tháp và An Giang chịu nhiều ảnh hưởng do sạt lở.
Ông Huỳnh Minh Đường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực sông Tiền, sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh xảy ra ba vụ sạt lở bờ sông tại các xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình và xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự với chiều dài sạt lở 0,22km, diện tích đất bị ảnh hưởng là 0,658ha, làm hư hại hoàn toàn hai bờ kè (do tổ chức, cá nhân xây dựng).
Tình trạng ăn mòn đất xảy ra ở hai huyện Thanh Bình và Cao Lãnh cũng diễn biến phức tạp với chiều dài khoảng 21km, diện tích đất bị ảnh hưởng là 1,25ha. Ước tổng thiệt hại là 7,55 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 44 vụ sạt lở, sụp lún khu vực nội đồng với chiều dài sạt lở là 1,78km, diện tích đất 0,482ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 23 hộ dân, làm sập, cuốn trôi 3 căn nhà, 4 căn nhà phải tháo dỡ di dời.
Đồng thời, tình hình sạt lở mái taluy, mái kênh, ăn mòn đất tại huyện Lấp Vò và thành phố Sa Đéc với chiều dài 9,52km, diện tích đất bị ảnh hưởng là 2,12ha. Ước tổng thiệt hại là 6,05 tỷ đồng.
Cũng theo ông Đường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thuợng nguồn sông Mêkông, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đó, dẫn đến tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp, hiện tượng sụt lún tại các địa phương ngày càng phổ biến hơn.
Còn tại tỉnh An Giang, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang thông tin, lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 85 vụ sạt lở, làm rạn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch.
Những vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến 95 căn nhà và nhiều tài sản khác của người dân. Ước tổng thiệt hại gần 8,3 tỷ đồng.
"Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra hai vụ sạt lở đá núi tại huyện Thoại Sơn và thị xã Tịnh Biên làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và đi lại của người dân", ông Khanh cho biết thêm.
Cấp bách chống sạt lở
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cho biết, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh vùng ĐBSCL xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km, trong đó có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần phải xây dựng công trình để bảo vệ.
Theo đó, để đầu tư xây dựng công trình khắc phục, phòng chống tại các điểm sạt lở nói trên cần khoảng 13.400 tỷ đồng. Đây là một số tiền đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng tự chủ của các địa phương.
Hầu hết các tỉnh trong vùng đã sử dụng hết nguồn vốn dự phòng để khắc phục những điểm sạt lở cấp bách. Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng tại khu vực, Bộ NN&PTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) liên tục có báo cáo, rà soát, thẩm định gửi Thủ tướng Chính phủ để sắp xếp nguồn vốn kịp thời.
Theo đó, đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Long An 250 tỷ, Tiền Giang 200 tỷ, Bến Tre 300 tỷ, Trà Vinh 200 tỷ, Vĩnh Long 500 tỷ, Cần Thơ 250 tỷ, Hậu Giang 200 tỷ, Sóc Trăng 300 tỷ, An Giang 250 tỷ, Đồng Tháp 250 tỷ, Kiên Giang 500 tỷ, Bạc Liêu 300 tỷ, Cà Mau 500 tỷ, để bố trí các dự án phòng, chống sạt lở như đề nghị của Bộ KH&ĐT.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, các tỉnh vùng ĐBSCL bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm đúng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
"Chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực", Thủ tướng chỉ đạo.