Các tỉnh miền trung dồn sức khắc phục hậu quả mưa, lũ
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt tỉnh Quảng Trị.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo: Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1732/CÐ-TTg ngày 8-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền trung. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Quảng Trị và các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp để tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên đang mất tích và mắc kẹt trên tàu Vietship 01. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị và lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp Bộ GTVT tổ chức tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên mất tích và bị mắc kẹt; kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn…
Hiện nay tình hình thời tiết ở các tỉnh miền trung rất phức tạp, yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh miền trung chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống nguy cấp có thể xảy ra với phương châm “bốn tại chỗ” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1732/CÐ-TTg.
Ngày 9-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 21/CÐ-TW gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; khu vực Tây Nguyên cùng các bộ, ban, ngành liên quan để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNÐ. Theo đó, các địa phương cùng các bộ, ngành cần thông báo cho chủ tàu thuyền thoát ra khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản...
Theo Tổng cục PCTT, đến sáng 9-10, toàn miền trung có 88 xã bị ngập lụt, nặng nhất là tỉnh Quảng Trị có 71 xã, phường. Mưa lũ tại các tỉnh miền trung khiến năm người chết, tám người mất tích; 772 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 32.500 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; khoảng 30 điểm bị sạt lở, ách tắc, một cầu tại Quảng Trị bị hỏng, 100 m đường bị sạt lở; 9 km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở...
Theo Ban Chỉ huy PCTT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), lượng mưa từ ngày 6 đến ngày 9-10 là 417,8 mm. Hiện nước lũ đã dâng cao tại nhiều tuyến đường của huyện Hương Khê như cầu tràn ở các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Liên, Hương Ðô; các huyện lộ 2, huyện lộ 6 thuộc xã Hương Thủy... Ðến ngày 9-10, toàn huyện đã có năm xã bị chia cắt.
Tại TP Huế, đến 13 giờ ngày 9-10, có hơn 30 tuyến đường ở đây bị ngập lụt, có nơi ngập sâu hơn 1m. Trước tình hình đó, Công an TP Huế đã triển khai lực lượng di dời 32 hộ dân, sáu dãy trọ hơn 130 người ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với người dân địa phương cứu được một ngư dân bị nước lũ cuốn trôi trong quá trình chằng chống tàu ở bến thuyền Mỹ Cảnh, TP Ðồng Hới.
Chiều 9-10, UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), xác nhận một người phụ nữ trên địa bàn vừa bị lũ cuốn mất tích. Trước đó, khoảng 12 giờ cùng ngày, nạn nhân cùng chồng đi qua con suối gần nhà, bị nước cuốn trôi.
Trưa 9-10, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Ðịnh đã tìm, vớt được thi thể anh Nguyễn Hữu Tùng, trú tại phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn sau hai ngày mất tích vì bị nước lũ cuốn trôi.
Do tình hình mưa lũ diễn biến vẫn phức tạp nên chiều tối ngày 9-10, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Ðà Nẵng có văn bản thông báo tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học do mưa lớn. Theo đó, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 10-10 và đi học trở lại từ ngày 12-10...