Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên tăng cường hợp tác với Indonesia
Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang tìm cách hợp tác, kêu gọi các doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào một số lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số.
Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang tìm cách hợp tác, kêu gọi các doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào một số lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số... Đây là nội dung nổi bật tại Hội nghị gặp gỡ Indonesia do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Indonesia và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức chiều nay (22/3), tại thành phố Nha Trang.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk...đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương để kêu gọi hợp tác, liên kết với đối tác Indonesia. Indonesia là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu dân. Đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm của các doanh nghiệp tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa xuất khẩu sang Indonesia hơn 2 triệu USD với các mặt hàng như cà phê, dệt may, thủy sản và nhập khẩu hơn 240 triệu USD hàng hóa từ Indonesia với các mặt hàng như than đá, thủy sản...
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, cơ hội hợp tác giữa Khánh Hòa và Indonesia là rất lớn. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận và phối hợp các đơn vị liên quan xử lý mọi kiến nghị của các nhà đầu tư Indonesia.
Ông Tuân nói: "Khánh Hòa chúng tôi mong muốn hợp tác với các đối tác Indonesia trên các lĩnh vực ưu tiên như du lịch, công nghiệp, cơ khí chế tạo công nghệ cao. Các ngành chủ yếu như đóng tàu, năng lượng sạch- tái tạo, chế biến dầu khí, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, sản xuất vắc xin, dược liệu biển".
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Indonesia gần 14 tỷ USD. Trong ASEAN, Indonesia và Việt Nam là 2 khu vực sản xuất quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Việt Nam, Indonesia đang là hai quốc gia sản xuất gạo lớn của thế giới, đóng vai trò quan trọng trong khu vực về thủy, hải sản. Hai nước có nhiều điểm chung khi Việt Nam đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, Indonesia cũng chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ số. Trong bối cảnh nhu cầu về lương thực, thực phẩm của thế giới đang gia tăng, yêu cầu 2 quốc gia hợp tác, chia sẻ mạnh mẽ hơn để cùng phát triển.
Ông Teten Masduki, Bộ trưởng Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia cho biết: "Trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, chúng tôi tin tưởng rằng hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam sẽ mang lại lợi ích tích cực cho cả hai nước. Hai nước cần chia sẻ lẫn nhau, hợp tác trong chuyển đổi số, nghiên cứu các sản phẩm mới, làm phong phú cho hệ sinh thái kinh doanh. Qua đó, cùng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên phạm vi thế giới".
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện nay là thời điểm quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Indonesia phát triển tốt. Hai quốc gia đang kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, hướng đến 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1955-2025). Hai nước có nhiều điểm tương đồng như thị trường lớn, khát vọng xây dựng đất nước phát triển. Hai nước tăng cường hợp tác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, góp phần đưa ASEAN trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 thế giới trước năm 2030. Mới đây, lãnh đạo cấp cao 2 nước nhất trí phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD trước năm 2028. Hội nghị gặp gỡ Indonesia với các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên là hoạt động quan trọng đầu tiên trong việc thực hiện cam kết giữa lãnh đạo 2 quốc gia.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm, các lĩnh vực hợp tác với Indonesia như kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, năng lượng tái tạo... cũng là thế mạnh của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên: "Hai nước chúng ta tăng cường hợp tác kết nối giữa các ngành, các bộ, các địa phương, doanh nghiệp hai bên. Xây dựng các cơ chế trao đổi, thúc đẩy đầu tư trên ngành, lĩnh vực, cấp độ, ngành nghề khai thác tối đa cơ hội hợp tác song phương còn nhiều dư địa. Thúc đẩy các chương trình có thể tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác. Góp phần thực hiện chương trình hành động đối tác chiến lược giữa Chính phủ hai nước".