Các tỉnh phía Bắc: Mưa lũ còn tiếp diễn đến ngày 11/9, nguy cơ sạt lở còn cao
Cả nước có 71 người chết và mất tích trong và sau bão Yagi. Riêng trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) sáng nay (9/9) làm 10 phương tiện gặp nạn, gồm 1 xe tải, 2 xe đầu kéo, 6 xe máy, 1 xe máy điện; 8 người mất tích, 3 người được cứu kịp thời.
71 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế rất lớn
Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cập nhật đến 17h ngày hôm nay (9/9) cho biết, toàn quốc có 71 người chết, mất tích kể từ khi bão Yagi đổ bộ vào nước ta. Trong đó, 49 người chết, 22 người mất tích. Chết do bão là 12 người; do sạt lở đất, lũ quét là 53 người; do lũ cuốn là 6 người.
Ngoài ra, số người bị thương là 732 người. Trong đó, Quảng Ninh 536 người, Hải Phòng 81 người, Hải Dương 5 người, Hà Nội 10 người, Bắc Giang 4 người, Bắc Ninh 7 người, Lạng Sơn 9 người, Lào Cai 9 người, Yên Bái 4 người, Cao Bằng 1 người, Phú Thọ 2 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 2 người.
Có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; 136.228ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung Hải Phòng 25.780ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 4.286ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.830ha; Vĩnh Phúc 8.860ha...) và khoảng 26.250ha hoa màu bị ngập úng, 6.887ha cây ăn quả bị hư hại.
Trên sông và biển, gần 1.540 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300...). Có 125 gia súc và trên nửa triệu gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 186.000, Hải Phòng 345.610 gia cầm)...
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở còn cao
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo, để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, vùng đồng bằng, ven biển tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai...
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hạ du hệ thống sông Hồng; tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh...
Khuyến cáo khu vực miền núi phía Bắc tập trung sơ tán người dân tại khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, hồ đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và ứng phó với các tình huống xảy ra.