Các tỉnh, thành chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3

Ngày 21/7, lãnh đạo nhiều địa phương đã ban hành văn bản về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp ứng phó bão số 3 (Wipha).

Hải Phòng họp trực tuyến chủ động ứng phó bão số 3

Sáng 21/7, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và 114 xã, phường, đặc khu trên toàn địa bàn về công tác ứng phó bão số 3.

Lực lượng Biên phòng Hải Phòng hỗ trợ ngư dân lên bờ tránh trú bão.

Lực lượng Biên phòng Hải Phòng hỗ trợ ngư dân lên bờ tránh trú bão.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các lực lượng chức năng và sở, ngành thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Lực lượng vũ trang gồm hơn 35.400 người được huy động, sẵn sàng ứng phó. Bộ chỉ huy Quân sự và Công an thành phố duy trì chế độ trực 24/24, rà soát phương án, kế hoạch hiệp đồng. Bộ đội Biên phòng thông báo, hướng dẫn 1.657 phương tiện/4.668 lao động trên biển chủ động phòng tránh bão.

Sở Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai, đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý các sự cố đê điều, thủy lợi ngay từ giờ đầu. Hệ thống trực ban 24/24h được duy trì, nhóm Zalo liên lạc nhanh với 114 xã, phường, đặc khu đã được thiết lập.

Các sở, ngành chức năng rà soát 32 điểm đen ngập lụt, cắt tỉa hơn 2.800 cây xanh, chằng chống trên 4.400 cây đô thị và xây dựng phương án sơ tán gần 2.600 hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ, xuống cấp.... Toàn bộ lực lượng thành phố vào vị trí sẵn sàng, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn tuyệt đối khi bão đổ bộ.

Toàn thành phố hiện có 75 vị trí đê, kè, cống xung yếu cần theo dõi, gồm 8 điểm cấp thành phố và 67 điểm cấp xã, phường, đặc khu. Tất cả điểm này đã được xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "bốn tại chỗ". Các Công ty khai thác công trình thủy lợi đã chủ động hạ thấp mực nước đệm, chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị và lực lượng ứng trực theo phương án vận hành khi có yêu cầu.

Các lực lượng chức năng di chuyển người dân đến nơi tránh trú bão an toàn.

Các lực lượng chức năng di chuyển người dân đến nơi tránh trú bão an toàn.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố, đồng thời theo dõi sát diễn biến thực tế của bão để kịp thời ứng phó.

Chủ tịch nhấn mạnh thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ", trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Chủ tịch đặc biệt lưu ý việc tổ chức di dời người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là chung cư cũ, những điểm đê điều trọng yếu như Chí Linh, Cổ Thành, Thanh Hải. Các địa phương cần chủ động vận động người dân tự giác sơ tán, ưu tiên di dời người già, trẻ em trước 18h, hoàn thành toàn bộ công tác sơ tán trước 20h cùng ngày.

Những địa điểm tiếp nhận người dân cần đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu, an toàn và chu đáo. Công an, lực lượng quân đội chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản tại nhà dân trong thời gian sơ tán.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cơ quan thông tin đại chúng cập nhật liên tục diễn biến bão, hướng dẫn người dân biện pháp chằng chống nhà cửa, cảnh báo nguy cơ mất an toàn, tránh tư tưởng chủ quan. Các địa phương cần công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời liên hệ khi cần hỗ trợ.

Ninh Bình: Tạm dừng họp, cấm người ở lại trên tàu thuyền

Sáng 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND, yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó bão số 3, nguy cơ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.

 Tàu thuyền đã vào bờ neo đậu tại cảng Ninh Cơ (tỉnh Ninh Bình).

Tàu thuyền đã vào bờ neo đậu tại cảng Ninh Cơ (tỉnh Ninh Bình).

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, triển khai cấp tốc các phương án "4 tại chỗ", đặc biệt tại các xã, phường ven biển. Lực lượng chức năng phải rà soát đê điều xung yếu, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, lồng bè khi bão đổ bộ.

Sở Xây dựng Ninh Bình phối hợp Công an tỉnh tổ chức phân luồng, cấm đường tại các khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở, sẵn sàng phương tiện khắc phục sự cố để đảm bảo giao thông thông suốt. Cảnh báo người dân hạn chế ra đường khi bão đổ bộ, tránh dông lốc, mưa lớn gây tai nạn.

Công điện cũng yêu cầu các địa phương di dời người dân khỏi nhà yếu, khu vực nguy hiểm. Lực lượng quân sự và công an trực chiến 24/7, hỗ trợ di dời, cứu hộ cứu nạn khi cần thiết. Các đơn vị báo chí được chỉ đạo cập nhật liên tục diễn biến bão, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh cho người dân.

Mưa gió làm 221 căn nhà ở Thanh Hóa bị tốc mái, hư hỏng

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ 20h ngày 20/7 đến 6h ngày 21/7, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to kèm gió giật mạnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số xã.

 Một ngôi nhà ở bản Cóc, xã Sơn Thủy bị tốc mái, hư hỏng nặng sau trận mưa giông (Ảnh: TT).

Một ngôi nhà ở bản Cóc, xã Sơn Thủy bị tốc mái, hư hỏng nặng sau trận mưa giông (Ảnh: TT).

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 221 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1 nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất. Ngoài ra, gần 19ha lúa, hơn 61ha rau màu, 33,5ha cây trồng hằng năm, 5ha cây lâu năm bị hư hại và 157 cây xanh đô thị và bóng mát bị gãy đổ.

Qua rà soát, hai điểm trường bị hư hỏng nhẹ, ảnh hưởng công tác dạy và học; 61 cột điện hạ thế và 6 cột viễn thông bị gãy, nghiêng; 3 ô tô con và 4 xe máy bị hư hỏng; 2 trụ sở cơ quan, 5 nhà xưởng, 1ha nhà màng, nhà lưới, 61 chuồng trại chăn nuôi bị thiệt hại...

Liên quan công tác phòng chống bão số 3, tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều công điện khẩn và yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai những biện pháp phòng, chống thiên tai với phương châm "4 tại chỗ".

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện lệnh cấm biển từ lúc 8h ngày 21/7. Đến thời điểm hiện tại, hơn 6.500 phương tiện đánh bắt thủy sản với khoảng 22.000 lao động của địa phương này đã neo đậu, tránh trú bão an toàn.

TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó tình huống mưa lớn, dông lốc, ngập úng

Ngày 21/7, UBND TP.HCM ban hành văn bản về khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của bão số 3. UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị TP, chủ tịch UBND các phường, xã, đặc khu nhanh chóng tổ chức biện pháp phòng tránh khi bão có khả năng ảnh hưởng địa bàn. Các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ phương án huy động vật tư, phương tiện, lực lượng, sẵn sàng ứng phó tình huống mưa lớn, dông lốc, ngập úng có thể xảy ra.

UBND TP yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h theo Quyết định 3039/QĐ-UBND về công tác trực ứng phó sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị phải nắm chắc diễn biến thời tiết, chủ động dự báo tình huống xấu nhất, công khai số điện thoại trực ban và phân công lực lượng sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết.

UBND TP.HCM yêu cầu không cho tàu chở khách du lịch hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.

UBND TP.HCM yêu cầu không cho tàu chở khách du lịch hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.

Tại các khu vực ven biển và đặc khu Côn Đảo, chính quyền địa phương cần triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền hoạt động trên sông, biển và vùng nước cảng biển. Cùng đó, tăng cường phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố.

Địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, thường xuyên thông báo cho chủ phương tiện biết để chủ động phòng tránh. Chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) hoạt động trên biển, ven biển, chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

UBND TP cũng yêu cầu các lực lượng chức năng như: Bộ Tư lệnh TP, Công an, Bộ đội Biên phòng và Cảng vụ Hàng hải bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện và thiết bị để kịp thời ứng phó, cứu hộ cứu nạn.

Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra, chằng chống các pano, bảng quảng cáo đúng kỹ thuật, tránh sự cố do dông lốc gây ra. Đồng thời, hạn chế tổ chức chương trình biểu diễn ngoài trời trong thời điểm có cảnh báo thời tiết xấu.

"Không cho các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn và kiểm tra chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trên tàu trước khi xuất bến", UBND TP.HCM yêu cầu.

Đồng Nai: Thống kê, khắc phục sự cố nhà tốc mái, hư hại hoa màu sau dông lốc

Ngày 21/7, UBND xã Bàu Hàm, tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thống kê thiệt hại do cơn mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra vào ngày 20/7.

 Mưa kèm gió lốc khiến nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Mưa kèm gió lốc khiến nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Bước đầu, qua rà soát địa phương xác định có 15 căn nhà bị tốc mái, 1 căn nhà tạm bị đổ sập hoàn toàn và khoảng 2.500 cây chuối (với diện tích khoảng 7ha) bị gãy đổ dù sắp đến ngày thu hoạch.

Trước đó, vào trưa và chiều ngày 20/7, tại xã Bàu Hàm xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh nên đã khiến nhiều nhà bị tốc mái, cây trồng bị đổ gây thiệt hại nặng. Ngay sau sự cố, UBND xã Bàu Hàm đã chỉ đạo các lực lượng chuyên môn, phối hợp cùng ban ấp và người dân nhanh chóng kiểm tra, rà soát hiện trường để thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại.

Chính quyền địa phương cũng tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các hộ gia đình bị thiệt hại, động viên tinh thần, hỗ trợ bước đầu giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Ngoài xã Bàu Hàm thì một số nơi như phường Trấn Biên, Tân Triều, Biên Hòa, xã Long Thành (tỉnh Đồng Nai cũ) và một số xã tại tỉnh Bình Phước cũ cũng xảy ra tình trạng gió mạnh gây ngã cây, tốc mái nhà gây thiệt hại.

Trong đó, tại phường Trấn Biên, một số cây xanh trên đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du… gãy đổ, đè vào hệ thống điện. Tại phường Hố Nai, mưa to, gió lốc cuốn mái tôn nhà xưởng 1 công ty bay lên đường dây trung thế cáp bọc, làm đứt 3 dây trung thế, 3 trụ trung thế. Tại xã Xuân Phú, dông lốc làm ngã 2 trụ trung thế, giật nghiêng gốc 1 trụ khác...

Thống kê sơ bộ, các sự cố đã làm mất điện hàng chục ngàn hộ dân. Bao gồm 9.300 hộ tại phường Biên Hòa; hơn 9.100 hộ tại phường Trấn Biên; hơn 7.800 hộ tại xã Dầu Giây và xã Gia Kiệm…

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty Điện lực Đồng Nai đã huy động nhân lực, phương tiện có mặt tại hiện trường sự cố, phối hợp cùng các lực lượng khác để xử lý phần cây gãy, mái tôn bay vào đường điện.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, từ trưa đến chiều ngày 20/7, địa bàn tỉnh Đồng Nai có mưa nhiều nơi, trong đó tại trạm Đồng Xoài có mưa rất to 61mm, còn trạm Biên Hòa mưa nhiều nhất là 16mm, các nơi khác chỉ mưa nhỏ đến mưa vừa. Phần lớn địa bàn tỉnh xảy ra dông lốc với mức độ khác nhau trong khoảng thời gian từ 11h30-12h. Dự báo hiện tượng dông lốc xảy ra nhiều nơi còn khả năng xuất hiện đến hết ngày 23/7, sau đó giảm dần, xuất hiện ở vài nơi.

Do ảnh hưởng xa của bão số 3 nên gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, thời tiết cả nước có mưa trên cả đất liền và biển. Xu thế mưa gia tăng về diện kèm theo gió giật mạnh ở Đồng Nai và các tỉnh Nam Bộ do dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với bão số 3 hoạt động mạnh. Hoàn lưu bão số 3 tác động làm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh thêm, có cường độ trung bình đến mạnh.

Hưng Yên: Tập trung toàn bộ thời gian, lực lượng để phòng chống bão số 3

Trước diễn biến khó lường của bão số 3, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu các sở, ban, ngành trong tỉnh tập trung toàn bộ thời gian, lực lượng để phòng, chống bão; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân và hạn chế thiệt hại về tài sản.

Dừng toàn bộ các hoạt động không cần thiết của các đơn vị, cơ quan để tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão số 3 và khắc phục hậu quả sau bão.

Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu chủ quan, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong công tác phòng chống bão và cứu nạn, cứu hộ.

Ông Nghĩa lưu ý, yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn đê, kè, cầu, cống, công trình giao thông, công trình xây dựng đang thi công và nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, nhất là những nơi ven sông, ven biển và các vị trí xung yếu. Bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác kiểm tra và hộ đê.

Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng vào chiều 21/7, tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Cường (Hưng Yên), toàn bộ các tàu cá vào khu neo đậu để tránh trú, các lồng bè nuôi hải sản đã được chằng chống, gia cố; các hộ dân vùng nguy cơ cao ảnh hưởng của bão đã được tổ chức phương án sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn.

Nhóm PV

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cac-tinh-thanh-chi-dao-tap-trung-ung-pho-bao-so-3-192250721115222022.htm