Đồng Nai dự kiến chi khoảng 23 tỷ đồng hỗ trợ người có công, thân nhân người có công với cách mạng

Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong những nội dung quan trọng sẽ được trình tại Kỳ họp thường lệ giữa năm HĐND tỉnh khóa X tới đây.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Thị Hằng (thứ 4 từ trái qua) thăm, tặng quà người có công tại phường Long Khánh. Ảnh: Hoài Nam

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Thị Hằng (thứ 4 từ trái qua) thăm, tặng quà người có công tại phường Long Khánh. Ảnh: Hoài Nam

Cụ thể, tờ trình, dự thảo nghị quyết đã đề xuất 4 chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 23 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh Đồng Nai.

Các chính sách bao gồm: Tặng quà cho người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) hàng năm với mức từ 700 ngàn đồng đến 3 triệu đồng, tùy theo đối tượng; hỗ trợ chi phí đưa đón, chi phí ăn ở phát sinh trong thời gian đi đường (đi và về) của người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung; hỗ trợ tổ chức cho người có công với cách mạng, đại diện thân nhân liệt sĩ đi viếng Lăng Bác, tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tham quan các khu di tích lịch sử, khu căn cứ cách mạng tại một số tỉnh, thành phía Bắc; hỗ trợ cải táng mộ bà mẹ Việt Nam anh hùng đang an táng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tại tờ trình, dự thảo nghị quyết trên, UBND tỉnh cho biết, sau sắp xếp, tổng số hồ sơ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng đang quản lý toàn tỉnh Đồng Nai là gần 90 ngàn người, trong đó người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng gần 82 ngàn người; người tham gia cách mạng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ là gần 7 ngàn người.

Qua rà soát, cả 2 tỉnh Bình Phước (cũ) và Đồng Nai (cũ) đều đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Tuy nhiên hiện nay, chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng có sự khác biệt giữa 2 địa phương do điều kiện kinh tế - xã hội và quy định của từng tỉnh.

Sau khi sáp nhập tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (cũ) thành tỉnh Đồng Nai mới, nếu không có chính sách thống nhất áp dụng chung trên toàn địa bàn, sẽ dẫn đến sự chênh lệch, bất cập và thiếu công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến đời sống và tâm tư của người dân, đặc biệt là nhóm người có công - lực lượng luôn được xã hội quan tâm và ghi nhận.

Việc xây dựng chính sách hỗ trợ thống nhất, hợp lý sau khi sáp nhập không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà còn tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp hành chính có nhiều đổi mới. Chính sách phù hợp, nhân văn này sẽ góp phần ổn định đời sống người dân, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương...

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/dong-nai-du-kien-chi-khoang-23-ty-dong-ho-tro-nguoi-co-cong-than-nhan-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-26c15d1/