Các tỉnh vùng Tây Nguyên phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, không xin thêm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh vùng Tây Nguyên phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn được phân giao và không được xin thêm...

Chiều 2/8, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyền về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng vốn ngân sách trung ương năm 2024 hỗ trợ cho vùng Tây Nguyên thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là gần 5.543 tỷ đồng, chiếm 11,38% tổng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 3.424 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.118,982 tỷ đồng. Năm địa phương trong vùng Tây Nguyên bố trí 1.574,255 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp để thực hiện 3 chương trình.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyền về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyền về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đến ngày 31/7/2024, 5 tỉnh vùng Tây Nguyên giải ngân ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch, cao hơn 3% so với bình quân chung của cả nước (43%) và cao hơn 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, 5/5 địa phương trong vùng chỉ giải ngân được khoảng 4,4%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Về thí điểm phân cấp, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết xác định thí điểm cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các địa phương trong vùng kiến nghị các bộ, ngành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế thí điểm cho phép cấp huyện điều chuyển giữa vốn đầu tư và vốn sự nghiệp giữa các Chương trình MTQG theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 trong trường hợp làm thay đổi cơ cấu vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các bộ, ngành cũng cần hướng dẫn quy trình, thủ tục điều chuyển vốn giữa các Dự án thành phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 trong trường hợp làm thay đổi tổng mức vốn trung hạn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phải hồi bước đầu về những đề xuất, kiến nghị của các địa phương vùng Tây Nguyên; cập nhật tiến độ xây dựng một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tổng vốn sự nghiệp năm 2024 là khoảng 53 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân bình quân chung cả nước mới đạt 29%, thấp hơn so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với khu vực Tây Nguyên, tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp còn rất thấp, chưa đầy 5%, thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía bắc, trong đó Lào Cai đạt tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp trên 60%, cho thấy các địa phương vùng Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn rất nhiều vì nguồn vốn sự nghiệp cho vùng không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là nguồn hỗ trợ đối với hộ nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh vùng Tây Nguyên phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn được phân giao và không được xin thêm... - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh vùng Tây Nguyên phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn được phân giao và không được xin thêm... - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc phải cố gắng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, không xin thêm; làm ngay những việc có thể làm, chậm nhất chiều 9/8/2024 gửi các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp gửi các bộ, ngành xử lý.

Các bộ, ngành có 5 ngày để trả lời ý kiến, kiến nghị của các địa phương vùng Tây Nguyên, đồng thời gửi các địa phương đang triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia để tham khảo, vận dụng khi gặp vướng mắc tương tự, Phó Thủ tướng yêu cầu và đề nghị các địa phương sau khi nhận văn bản trả lời, nếu còn chỗ nào chưa hiểu thì cứ nhắn tin cho ông để cùng giải quyết.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hằng tuần kiểm soát và báo cáo Phó Thủ tướng về việc trả lời ý kiến của các địa phương.

Đối với một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 8/2024.

Về định hướng phân bổ vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện phân bổ vốn dựa trên kết quả giải ngân của giai đoạn hiện nay bởi chỉ có thể đạt được mục tiêu khi có nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có các địa phương

Thụy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-tinh-vung-tay-nguyen-phai-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-khong-xin-them-336517.html