Sau bão số 3, cây xanh bị gãy đổ ở Hà Nội sẽ đi về đâu?

Bão số 3 quét qua, nhiều cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị gãy đổ, trong đó có nhiều cây có giá trị kinh tế cao, cây cổ thụ, cây gỗ quý hiếm,… Vậy, việc xử lý những cây xanh bị gãy, đổ như thế nào?

Theo báo cáo nhanh, tính đến tối 8/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm… Trong đó có nhiều cây có giá trị kinh tế cao, cây cổ thụ, cây gỗ quý hiếm. Việc xử lý những cây xanh bị gãy, đổ như thế nào?

Cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 ở Hà Nội.

Cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 ở Hà Nội.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo các quy định hiện nay, Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường phố theo danh mục thuộc cấp Thành phố quản lý còn UBND cấp quận, huyện, thị xã được giao quản lý cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp huyện quản lý theo phân cấp.

Đối với các cây xanh được trồng trong các khu Đô thị thuộc quyền sở hữu của các chủ đầu tư khu đô thị. Đồng thời, hiện nay, không có quy định pháp luật cụ thể quy định chi tiết về việc xử lý cây xanh bị gãy, đổ do mưa bão. Như vậy, phương án xử lý đối với những cây xanh bị gãy, đổ do mưa bão sẽ do đơn vị có chức năng quản lý, đơn vị là chủ sở hữu cây xanh quyết định trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu về tính cấp thiết bảo tồn, giá trị của những cây bị gãy đổ.

Trong đó, tại Hà Nội, ngày 8/9/2024, thay mặt UBND TP HÀ NỘI, Chủ tịch UBND TP Trần Sĩ Thanh ký ban hành Công văn số 2963/UBND-ĐT về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 với nội dung cụ thể như sau:

Đối với các cây xanh cần bảo tồn các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn TP, hoàn thành trước ngày 15/9/2024.

Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm (D≤25cm) bị gãy, đổ, cần thực hiện cắt cành. tán đảm bảo cân đối, phù hợp (chiều cao của cây giữ lại Hvs từ 4-6m) để trồng lại tại chỗ vả chăm sóc theo quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Lưu ý: Đối với những cây xanh đổ ra lòng đường, sau khi cắt tỉa, cần di chuyển lên hè phố, các dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại, hoàn thành việc trồng lại các cây xanh nêu trên trước ngày 20/9/2024.

Việc thu hồi gỗ, củi đối với những cây gãy, đổ về địa điểm tập kết xong trước ngày 20/9/2024 và thực hiện thủ tục thanh lý theo đúng quy định.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp, đảm bảo kỹ thuật và chất lượng trồng, chăm sóc (lưu ý hệ thống cột chống phải chắc chắn để đảm bảo an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh).

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-bao-so-3-cay-xanh-bi-gay-do-o-ha-noi-se-di-ve-dau-169240909102702285.htm