Các tổ chức quốc tế thể hiện cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29
COP29 được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu...
Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijain được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, các tổ chức quốc tế cũng thể hiện cam kết của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu
ADB CÙNG CÁC ĐỐI TÁC CAM KẾT TÀI TRỢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Tại COP29, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cùng các đối tác thể hiện cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại sự kiện khởi động Quỹ tài chính sáng tạo cho khí hậu tại Châu Á- Thái Bình Dương (IF-CAP).
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết IF-CAP là một trong những chương trình tài trợ khí hậu sáng tạo nhất trên thế giới và sẽ là công cụ quan trọng để chống biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương. “Chúng tôi biết rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”, ông Asakawa nói.
“Đây là một thách thức đòi hỏi hành động mang tính chuyển đổi, quyết đoán và sáng tạo—mà IF-CAP sẽ cung cấp. Trong số tất cả các ngân hàng phát triển đa phương, chương trình này đưa ADB lên vị trí tiên phong trong đổi mới tài chính khí hậu. Với hiệu ứng nhân lên là 4,5, chương trình này sẽ giải phóng hàng tỷ đô la đầu tư rất cần thiết để chống biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương”.
IF-CAP đang hướng tới mục tiêu tổng số tiền bảo lãnh là 2,5 tỷ USD, sẽ được dùng để trang trải một phần danh mục cho vay hiện có của ADB. Điều đó sẽ cho phép ADB giải phóng khoảng 11,25 tỷ USD trong khoản tài trợ khí hậu dành riêng cho khu vực.
ADB đã hoan nghênh các khoản bảo lãnh trị giá gần 2,2 tỷ USD trong đó: 1 tỷ USD từ Hoa Kỳ, 600 triệu USD từ Nhật Bản (cộng với khoản tài trợ 25 triệu USD), 280 triệu USD từ Vương quốc Anh, 200 triệu USD từ Úc và 100 triệu USD từ Đan Mạch thông qua Quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển (IFU).
IF-CAP phản hồi trực tiếp các khuyến nghị của Nhóm hai mươi (G20) rằng các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) tăng cường cho vay thông qua các phương pháp tiếp cận mới như chuyển giao rủi ro.
Theo Báo cáo Khí hậu Châu Á - Thái Bình Dương 2024 của ADB, Châu Á và Thái Bình Dương cần khoảng 102- 431 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này vượt xa 34 tỷ USD tài chính thích ứng đã được theo dõi trong khu vực vào năm 2021–2022.
Để giúp giải quyết nhu cầu đầu tư vào khí hậu của khu vực, ADB đặt mục tiêu tài chính khí hậu đạt 50% tổng khối lượng tài chính cam kết hàng năm vào năm 2030. Ngân hàng cam kết đạt hơn 100 tỷ đô la tài chính khí hậu tích lũy, cho cả giảm thiểu và thích ứng, từ năm 2019 đến năm 2030.
EU CÔNG BỐ KẾ HOẠCH HỢP TÁC GIẢM PHÁT THẢI METHANE
Tại hội nghị COP29, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ra mắt Kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane.
Kế hoạch Hợp tác được xây dựng dựa trên nền tảng của Cam kết toàn cầu về methane, một sáng kiến do EU và Mỹ khởi xướng, đã nhận được sự tham gia của hơn 150 quốc gia. Theo cam kết này, các quốc gia thành viên đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng phát thải methane toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Kế hoạch này nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, tập trung vào việc cải thiện hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh để giảm thiểu lượng khí methane thoát ra từ quá trình sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và nhanh chóng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Kế hoạch mới của EU đưa ra các hành động cụ thể như xây dựng hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh chặt chẽ, cũng như đầu tư vào các dự án giảm phát thải từ các cơ sở hiện có. Điều này sẽ giúp các quốc gia thành viên có thể theo dõi chặt chẽ lượng khí methane thải ra, đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.
Việc ra mắt Kế hoạch hợp tác tại COP29 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các ví dụ cụ thể về việc thực hiện kế hoạch này sẽ được giới thiệu tại COP30 diễn ra tại Brazil.
Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên châu Âu về hành động khí hậu, nhấn mạnh giảm phát thải methane từ ngành năng lượng không chỉ là một giải pháp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Việc cắt giảm khí methane giúp tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
"Kế hoạch hợp tác mới này sẽ mở ra một chương mới trong việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng," ông cho biết. "Để giải quyết hiệu quả vấn đề phát thải methane, "tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác trên toàn cầu".