Các tổ chức tôn giáo: Chung tay bảo vệ môi trường
Thời gian qua, Mặt trận các cấp cùng ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Phát huy những mô hình xanh - sạch - đẹp
Từ nhiều năm nay, định kỳ hàng tháng, các giáo dân tổ dân phố 14 (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) cùng người dân địa phương đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tại khu hoa viên, bờ biển, dọc các tuyến đường trong khu dân cư. Đặc biệt, từ khi thực hiện mô hình điểm cấp tỉnh “Khu dân cư tự quản BVMT” do UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ triển khai tại hoa viên tổ dân phố 14 (năm 2022) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và 165 gia đình phật tử. Thực hiện mô hình, người dân đã tích cực tham gia trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan. Hàng tuần, hàng tháng, tổ chức quét dọn, thu gom rác thải trong khu hoa viên và dọc các tuyến đường. Từ đó, ý thức BVMT, bỏ rác đúng nơi quy định của người dân được nâng cao, đặc biệt những hộ dân ở gần hoa viên không còn bỏ rác bừa bãi; qua đó góp phần xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Sư cô Thích Nữ Từ Minh - Trụ trì chùa Lương Hải (tổ dân phố 14) cho biết: “Ngoài thu gom rác ở khu vực hoa viên và khu dân cư, hàng quý, chúng tôi còn tham gia với địa phương tổ chức thu gom rác thải dọc bờ biển. Đồng thời, vận động 30 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển đăng ký tham gia bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển trong quá trình đánh bắt; tổ chức hướng dẫn người dân phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh chung; xây dựng các mô hình cổng nhà, sân vườn, đường làng, ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Tại thôn Đống Đa (xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa), mô hình “Tuyến đường xanh” do Giáo họ Anna phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn triển khai thực hiện ngày càng phát huy hiệu quả. Mô hình đã trồng được 100 cây hoa chuông vàng hai bên đường chính của thôn với chiều dài 500m. Các gia đình đã hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần; các tuyến đường trong khu dân cư được người dân thu gom rác thải sạch sẽ. Theo Linh mục Nguyễn Văn Dàng - Quản nhiệm Giáo họ Anna, Giáo họ còn lồng ghép đưa vào chương trình truyền giảng đạo để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động giáo dân tham gia tích cực phong trào “Cả nước chung tay phòng, chống rác thải nhựa”, chương trình “Trồng cây xanh BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”…
Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu” giai đoạn từ năm 2017 đến 2026, đến nay, Mặt trận các cấp, ngành TN-MT tỉnh và các tôn giáo đã xây dựng được 202 mô hình tự quản về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức BVMT…
Tiếp tục nhân rộng
Theo Thượng tọa Thích Giác Không - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Cam Ranh, việc BVMT được các chùa, tu viện, tịnh xá thực hiện thường xuyên và liên tục với nhiều việc làm rất cụ thể và thiết thực. Điển hình như chùa Phước Long (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh). Trước đây, người dân dùng túi ni-lông đựng thức ăn cho tôm, cá nuôi ở biển, dùng xong thường bỏ luôn xuống biển. Từ thực trạng này, các trụ trì trong chùa đã thuyết giải cho các phật tử về ý nghĩa của việc BVMT. Sau đó, trụ trì chùa đã vận động người dân lấy lưới may thành túi có dây rút đựng thức ăn cho tôm, cá; sau khi cho ăn xong tái sử dụng lại. Từ đó, lượng túi ni-lông thả xuống biển đã giảm đáng kể. Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả việc BVMT, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Cam Ranh đã ký văn thư chỉ đạo tất cả chùa, tu viện, tịnh xá trong toàn thành phố nâng cao ý thức dọn rác, giữ gìn vệ sinh môi trường chung. “Chúng tôi thường răn dạy các phật tử, vào các ngày lễ lớn, việc mua hoa quả để kính Đức Phật rất đáng quý nhưng càng đáng quý hơn khi chúng ta tập trung thu gom rác, làm sạch môi trường, xem đây như là lễ vật để cúng dường Đức Phật một cách thiết thực. Trên tinh thần đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cử đại diện các vị trong ban trị sự về một số chùa nhân dịp lễ lớn để thuyết giải, nâng cao tinh thần BVMT cho các tăng, ni, phật tử” - Thượng tọa Thích Giác Không cho biết.
Theo ông Cao Ngọc Tâm - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngành TN-MT về “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu”, trên địa bàn tỉnh, vai trò, trách nhiệm của các vị chức sắc, chức việc trong công tác thuyết giải, vận động người dân tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được nâng lên. Từ đó, có nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong BVMT đã được các vị chức sắc, chức việc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi truyền giáo lý, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên truyền giảng cho tín đồ về vai trò và ý nghĩa của BVMT đối với tín ngưỡng tôn giáo và sức khỏe con người; vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn.
Thời gian tới, Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh truyền giảng, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục trồng cây, xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng những mô hình cộng đồng tôn giáo và nhân dân tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và địa phương.