Các tòa nhà ở Myanmar tiếp tục sụp đổ 5 ngày sau trận động đất
Các tòa nhà ở Myanmar tiếp tục đổ sập năm ngày sau trận động đất mạnh, gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ khi họ tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát.
Trận động đất 7,7 độ richter cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3000 người và làm hàng nghìn người khác bị thương, theo chính quyền quân sự Myanmar. Hàng trăm người vẫn mất tích, khiến số người thiệt mạng có khả năng tiếp tục tăng.
Hôm thứ Tư, Sở Cứu hỏa Myanmar chia sẻ đoạn video đầy xúc động ghi lại khoảnh khắc các nhân viên cứu hộ tại thủ đô Naypyidaw kéo một người đàn ông ra khỏi đống đổ nát sau hơn 100 giờ, mang đến một tia hy vọng hiếm hoi giữa thảm họa.

Một tòa nhà bị sập vì động đất ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: GI
Người đàn ông trông kiệt sức khi được kéo ra khỏi khe hở giữa các tấm bê tông vỡ, trong tiếng vỗ tay của những người xung quanh. Một ngày trước đó, một phụ nữ 62 tuổi cũng được giải cứu từ đống đổ nát tại Naypyidaw.
Ở một địa điểm khác, một đội cứu hộ Trung Quốc đã cứu được bốn người – trong đó có một bé gái 5 tuổi và một phụ nữ mang thai – khỏi đống đổ nát vào thứ Hai.
Dư chấn kéo dài, nguy hiểm chưa chấm dứt
Theo các tổ chức nhân quyền, các tòa nhà có cấu trúc yếu vẫn tiếp tục sụp đổ do dư chấn kéo dài, khiến nhiệm vụ cứu hộ trở nên nguy hiểm hơn. Hai khách sạn gần tâm chấn ở Mandalay – thành phố đông dân thứ hai Myanmar – đã đổ sập vào đêm thứ Hai, khi người dân trở lại sau nhiều ngày sơ tán.
“Những dư chấn này tiếp tục gây thương vong,” Michael Dunford, Giám đốc Myanmar tại Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, cho biết. “Nhiều người phải ngủ ngoài trời vì sợ hãi không dám trở về nhà. Điều này cũng khiến việc tiếp cận và hỗ trợ họ trở nên khó khăn hơn”.
Các tổ chức nhân đạo tiếp tục kêu gọi viện trợ khẩn cấp, đặc biệt là cho những khu vực hẻo lánh. Ngay cả trước thảm họa, bốn năm nội chiến đã khiến hàng triệu người mất đi chỗ ở, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.
Tại thị trấn Sagaing, gần tâm chấn, người dân mô tả cảnh tượng đau lòng khi họ chờ đợi thực phẩm và vật tư y tế. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết nhu cầu về túi đựng thi thể, đèn pin và thuốc chống muỗi đang tăng cao.
Binh lính đã tăng cường giám sát các phương tiện vận chuyển từ Mandalay đến Sagaing. Chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố cam kết cho phép viện trợ nhưng lại bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích vì hạn chế tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng.
Một liên minh phiến quân lớn ở Myanmar tuyên bố ngừng bắn tạm thời để hỗ trợ công tác cứu trợ sau động đất. Liên minh Ba Anh em, gồm ba nhóm vũ trang, kêu gọi triển khai nhanh chóng các hoạt động nhân đạo.
Hỗ trợ quốc tế đổ về Myanmar nhưng vẫn thiếu kinh phí
Các tổ chức quốc tế, bao gồm các nhóm từ Trung Quốc, Nga và Pakistan, cũng đang hỗ trợ công tác cứu hộ tại Myanmar. Hai tàu hải quân Ấn Độ chở hàng viện trợ nhân đạo, nhu yếu phẩm và lương thực đã cập cảng Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, vào sáng thứ Ba.
Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ cảnh báo rằng tình trạng thiếu kinh phí kéo dài nhiều năm qua đòi hỏi phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa.
"Thành thật mà nói, đây là thời điểm thế giới cần hành động và hỗ trợ người dân Myanmar", Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Myanmar, Marcoluigi Corsi, phát biểu.
"Hiện nay, Myanmar không được xếp vào nhóm ưu tiên hàng đầu trong số các cuộc khủng hoảng khẩn cấp toàn cầu... Hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Myanmar đã thiếu nguồn tài trợ trong nhiều năm. Trong bốn tháng đầu năm nay, chúng tôi chỉ nhận được chưa đến 5% trong tổng số 1,1 tỷ USD theo kế hoạch cứu trợ nhân đạo".