OPEC+ thúc đẩy kế hoạch tăng sản lượng khiến giá dầu lao dốc
Hôm thứ Năm (4/3), 8 quốc gia OPEC+ đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch tăng sản lượng dầu bằng cách tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 5, một quyết định bất ngờ khiến giá dầu sụt giảm.

Sau khi giảm hơn 4% sau thông báo của Tổng thống Donald Trump về thuế quan đối với các đối tác thương mại được công bố hôm 2/4, giá dầu Brent đã tiếp tục giảm hơn 5% xuống còn 70 USD/thùng sau thông báo tăng sản lượng của OPEC+.
Trước đó, OPEC+ đã lên kế hoạch tăng sản lượng thêm 135.000 thùng/ngày vào tháng 5 như một phần của kế hoạch dần dần nới lỏng mức cắt giảm sản lượng. Nhưng sau cuộc họp trực tuyến của các quốc gia thành viên, OPEC+ đã thông báo sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 5 với lý do "các yếu tố cơ bản của thị trường tiếp tục lành mạnh và triển vọng thị trường tích cực".
"Điều này bao gồm mức tăng ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 5 cùng với hai mức tăng hàng tháng… Các mức tăng dần dần có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược tùy thuộc vào các điều kiện thị trường đang diễn ra", thông báo của OPEC cho biết.
Đợt tăng sản lượng vào tháng 5 là mức tăng tiếp theo của một kế hoạch được Nga, Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait, Iraq, Algeria, Kazakhstan và Oman nhất trí nhằm dần dần nới lỏng mức cắt giảm sản lượng gần đây nhất là 2,2 triệu thùng/ngày, có hiệu lực trong tháng 4. OPEC+ sẽ họp vào ngày 5/5 để quyết định về sản lượng tháng 6.
Các nhà phân tích cho biết quyết định mới này phản ánh một phần mong muốn của các nhà lãnh đạo OPEC+ nhằm cải thiện việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất.
“OPEC+ tập trung vào việc tuân thủ và quyết định này buộc những nước chậm trễ phải tăng cường tuân thủ”, Amrita Sen, đồng sáng lập Energy Aspects cho biết.
OPEC+ đang thúc giục Kazakhstan cùng với các quốc gia thành viên khác cắt giảm thêm để bù đắp cho sản lượng dư thừa.
Kazakhstan đã sản xuất dầu vượt xa các mục tiêu đã thỏa thuận với OPEC+ trong những tháng gần đây. Dữ liệu của OPEC cũng cho thấy một số quốc gia OPEC+ khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nigeria và Gabon đang bơm vượt hạn ngạch, nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều so với Kazakhstan.