Các tôn giáo chung tay tham gia bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang dần ăn sâu vào nếp nghĩ, tư duy và văn hóa của các tôn giáo ở Việt Nam. Các tổ chức tôn giáo đã cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và ngành Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp 'Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu', tạo nên sự chuyển đổi xanh trong đời sống cộng đồng.
Theo đó, Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và Nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.
Qua hơn 6 năm thực hiện, đến nay Chương trình đã xây dựnggần 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên cả nước.
Tại TP Hồ Chí Minh, Đảng ủy, chính quyền và MTTQ các cấp luôn chú trọng đến tầm quan trọng, vai trò, uy tín của 33 tổ chức tôn giáo với hơn 3,9 triệu tín đồ trên địa bàn. Từ 2015 đến 2020, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo để xây dựng, duy trì gần 200 mô hình, cách làm hiệu quả để bảo vệ môi trường. Điển hình như các mô hình: Khu dân cư – Họ đạo không rác, Giáo họ xanh – sạch – đẹp, Mô hình thanh thiếu niên Phật tử dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khuôn viên bên trong và trước cổng chùa và nhà sạch sẽ, gọn gàng…
Các mô hình này được xây dựng dựa trên điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo; qua đó đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến hết năm 2026, 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc được tiếp cận thông tin và tích cực hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…
Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, các tín đồ đóng góp tích cực vào việc triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030; Kế hoạch xây dựng Thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 19/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Cuộc vận động người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch…
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với ngành tài nguyên – môi trường, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh tích cực thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hóa, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện quy chế, quy ước, tiêu chí gia đình văn hóa ở khu dân cư.
Cộng đồng tôn giáo đã phát huy những điểm tương đồng giữa đường hướng của Giáo hội và chính sách, phong trào bảo vệ môi trường của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở có đông đảo đồng bào tôn giáo, quần chúng nhân dân. Xu hướng “sống xanh” tại các cơ sở tôn giáo đã và đang là điểm sáng về môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Cùng với đó, các chức sắc tôn giáo đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, kêu gọi, vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, sử dụng túi tự hủy và các sản phẩm thân thiện với môi trường... hướng đến thay đổi hành vi, thói quen trong cuộc sống. Các nội dung như hướng dẫn đồng bào, nhân dân loại bỏ dần mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự và các hình thức khác trái với thuần phong, mỹ tục, văn hóa dân tộc, bảo tồn và giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống cũng được các chức sắc tuyên truyền tới người dân.
Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực như: Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, Tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, Đoàn kết Lương – Giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biên đổi khí hậu, Xây dựng chùa cảnh tịn gắn với bảo vệ môi trường… Quá trình triển khai Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường và các tổ chức tôn giáo cho thấy mỗi tôn giáo dù có khác nhau về giáo luật, cách hành đạo nhưng đều đồng thuận cao trong phối hợp tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường.
Phát huy kết quả đạt được, Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường đã được triển khai hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng giáo dân về Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Xây dựng, định hướng nội dung truyền thông, phổ biến các tài liệu hỗ trợ công tác truyền thông bảo vệ môi trường phù hợp với các tôn giáo; tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tôn giáo duy trì, phát huy, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường…
Nâng cao công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên – môi trường các cấp và các tổ chức tôn giáo trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát hiện, phản ánh các điểm đen về môi trường và tố giác hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…