Các tồn tại và giải pháp trong xây dựng, quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn

Hiện nay, công tác xây dựng và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên cả nước vẫn còn một số bất cập. Để có thể phát triển nông thôn bền vững, theo đúng định hướng đề ra, rất cần xây dựng cơ chế, chính sách quản lý kiến trúc nông thôn và hoạt động quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn phải đúng, trúng, công tâm, minh bạch, lâu dài và hiệu quả.

Việc xây dựng điểm dân cư nông thôn hiện nay chưa bám sát định hướng quy hoạch phát triển chung của xã nông thôn hoặc quy hoạch chung cụm xã, thường xuyên điều chỉnh quy hoạch chung một cách tự phát.

Việc xây dựng điểm dân cư nông thôn hiện nay chưa bám sát định hướng quy hoạch phát triển chung của xã nông thôn hoặc quy hoạch chung cụm xã, thường xuyên điều chỉnh quy hoạch chung một cách tự phát.

Thiếu cơ chế, chính sách và cán bộ chuyên môn

Luật Kiến trúc năm 2020 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc đã quy định chi tiết về nội dung quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Nhưng sau 2 năm thực hiện, việc triển khai xây dựng quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn tại các địa phương vẫn còn chậm chạp, chưa được quan tâm triển khai. Nhiều địa phương vẫn còn ở giai đoạn nghiên cứu. Trong khi đó, việc xây dựng phát triển các điểm dân cư nông thôn khắp các vùng trong cả nước vẫn tiếp tục diễn ra khi chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vào năm 2020, khu vực nông thôn trên cả nước có 16,8 triệu hộ dân với khoảng 62,8 triệu nhân khẩu. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, số hộ và số nhân khẩu tại khu vực nông thôn đều tăng mạnh, dẫn đến tăng nhu cầu về nhà ở, tăng thêm hoạt động xây dựng, phát triển mới các điểm dân cư nông thôn một cách nhanh chóng, nóng vội và thiếu kiểm soát

Theo đánh giá của PGS. TS Nguyễn Đình Thi đến từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc xây dựng điểm dân cư nông thôn hiện nay vẫn còn 4 tồn tại phổ biến.

Thứ nhất là xây dựng điểm dân cư nông thôn chưa bám sát định hướng quy hoạch phát triển chung của xã nông thôn hoặc quy hoạch chung cụm xã, thường xuyên điều chỉnh quy hoạch chung một cách tự phát.

Thứ hai là xây dựng điểm dân cư nông thôn chưa quan tâm đến việc kết nối hệ thống cấu trúc và không gian chức năng công cộng giữa điểm dân cư nông thôn mới với làng, xóm cũ như chức năng công cộng, dịch vụ, văn hóa, vui chơi giải trí giữa điểm dân cư nông thôn mới và làng, xóm hiện hữu.

Thứ ba là kiến trúc nhà ở hiện nay xây dựng tại điểm dân cư nông thôn thường có diện tích phân lô đất xây dựng nhỏ, hẹp, công năng sử dụng chưa đảm bảo điều kiện ăn, ở kết hợp với sản xuất nông nghiệp và sản xuât tiểu thủ công; không gian ở kém tiện nghi, không khai thác được ánh sáng và thông gió tự nhiên, gây nóng bức, ngột ngạt và tiêu tốn nhiều năng lượng điện cho làm mát; ô nhiễm môi trường sống gia tăng; mất cân bằng hệ sinh thái nông thôn.

Thứ tư là hình thức kiến trúc lộn xộn, sao chép tùy tiện nên mất dần giá trị kiến trúc truyền thống; văn hóa truyền thống bị mai một, mất dần các giá trị bản sắc văn hóa địa phương.

Đáng chú ý, những tồn tại trong việc xây dựng điểm dân cư nông thôn đã tác động trực tiếp đến công tác quản lý kiến trúc, từ đó hình thành một số hạn chế, tồn tại cơ bản.

Một là thiếu cơ chế, chính sách quản lý kiến trúc xây dựng điểm dân cư nông thôn. Hai là đội ngũ cán bộ chuyên môn thiếu kiến thức về quản lý, phương pháp tổ chức xây dựng điểm dân cư nông thôn. Ba là khó khăn trong việc tích hợp quy chế quản lý vào trong nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Bốn là các cấp chính quyền chưa coi trọng công tác quản lý kiến trúc các thôn, làng, xóm cũ trong quá trình phát triển nông thôn mới, dẫn đến mai một các giá trị văn hóa, kiến trúc của địa phương. Cuối cùng là việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng xã, xây dựng điểm dân cư nông thôn và lập quy chế quản lý kiến trúc chưa được quan tâm đúng mức.

PGS. TS Nguyễn Đình Thi đến từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ giải pháp cải thiện công tác xây dựng và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

PGS. TS Nguyễn Đình Thi đến từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ giải pháp cải thiện công tác xây dựng và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

5 giải pháp cải thiện công tác xây dựng và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, PGS. TS Nguyễn Đình Thi có đề xuất một số giải pháp để khắc phục tình trạng hiện nay.

Đối với công tác xây dựng, phát triển điểm dân cư nông thôn, các địa phương cần lập quy hoạch chung xây dựng xã hoặc cụm xã theo định hướng phát triển dài hạn, đảm bảo xây dựng phát triên theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Trường hợp cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung thì phải xem xét kỹ lưỡng các cơ sở thực tiễn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển văn hóa và các yếu tố có liên quan.

Khi lập quy hoạch phát triển điểm dân cư nông thôn mới bên cạnh các làng, xóm hiện hữu cần chú ý đảm bảo kết nối hệ thống giao thông, kết nối các chức năng công cộng, dịch vụ, văn hóa, vui chơi giải trí, đặc biệt chú ý bảo tồn gìn giữ các không gian lịch sử, các công trình di sản văn hóa kiến trúc và nhà ở truyền thống có giá trị.

Khi thiết kế, xây dựng kiến trúc nhà ở tại các điểm dân cư nông thôn cần chú ý bố trí đầy đủ các loại hình nhà ở và đảm bảo đủ diện tích khuôn viên nhà ở đáp ứng nhu cầu ăn ở phù hợp với nghề nghiệp của người dân.

Công năng nhà ở phải tổ chức phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh tế hộ gia đình, phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường tự nhiên nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường sống và đảm bảo cân bằng hệ sinh thái nông thôn.

Hình thức kiến trúc nhà ở trong các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo tính kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống; bảo tồn các không gian, các di sản kiến trúc có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, tinh thần nơi chốn trong các điểm dân cư nông thôn, nhất là kiến trúc nhà ở truyền thống nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống bản địa.

Đối công tác quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, các địa phương cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn nhằm thúc đẩy và làm tốt công tác quản lý kiến trúc tại các vùng nông thôn; bổ sung, cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ quản lý cấp huyện trong hoạt động quản lý kiến trúc nông thôn mới nói chung và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn nói riêng.

Trong công tác đấu thầu nhà ở tại các điểm dân cư nông thôn, chính quyền địa phương cần có biện pháp để tránh hiện tượng nhóm lợi ích để đẩy giá thầu lên quá cao. Chính quyền địa phương cũng nên có chính sách ưu tiên vốn cho phát triển nhà ở, cải tạo và chỉnh trang mở rộng hệ thống đường giao thông tại nông thôn, giảm bớt sức đóng góp của người dân trong việc mở mang đường, ngõ. Đặc biệt, các địa phương cần lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng xã, lập quy chế quản lý kiến trúc hay quy hoạch, xây dựng điểm dân cư nông thôn, luôn luôn xác định rõ người dân là chủ thể trong xây dựng, cải tạo chỉnh trang điểm dân cư nông thôn.

Dịch Phong (tổng hợp)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cac-ton-tai-va-giai-phap-trong-xay-dung-quan-ly-kien-truc-diem-dan-cu-nong-thon-343818.html