Các trận đấu súng tiếp tục biến Almaty thành 'chiến trường'
Các cuộc đấu súng đã bùng phát trở lại ở Almaty khi màn đêm buông xuống, kênh Mir-24 TV đưa tin. Các nhân chứng xác nhận rằng các cuộc đụng độ diễn ra ở khu vực lân cận Quảng trường Cộng hòa.
Các trận chiến đường phố tiếp tục diễn ra tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan. Theo kênh truyền hình Mir-24 TV, quân đội phải dùng loa yêu cầu "dọn sạch đường phố". Ngoài ra, tất cả cư dân đều nhận được tin nhắn SMS nhắc nhở họ về giờ giới nghiêm.
Trên đường phố Almaty, xe cộ bốc cháy, một số tòa nhà chính phủ đổ nát và vỏ đạn nằm ngổn ngang trong khuôn viên dinh Tổng thống sau kghi những người biểu tình xông vào cướp phá vào hôm thứ Tư.
Các nhân viên quân sự đã giành lại quyền kiểm soát sân bay chính, nơi bị những người biểu tình chiếm giữ trước đó. Tối thứ Năm, bạo lực lại bùng phát tại quảng trường chính của Almaty, giữa quân đội và hàng trăm người biểu tình.
Đáp lại yêu cầu hỗ trợ quân sự từ CSTO của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, quân đội do Nga dẫn đầu đến Kazakhstan để trấn áp một cuộc nổi dậy ở quốc gia Trung Á do “các nhóm khủng bố” do nước ngoài huấn luyện.
Việc triển khai quân của Nga chứng minh rằng lực lượng quân sự nhanh chóng có thể đảm bảo thiết lập lại an ninh ở quốc gia Trung Á sản xuất dầu và uranium đang gặp phải tình hình an ninh tồi tệ nhất trong 30 năm độc lập này.
Truyền thông địa phương cho biết lực lượng an ninh đã giải tỏa người biểu tình khỏi quảng trường trung tâm và các tòa nhà chính phủ quan trọng khác, nhưng cũng có báo cáo về tiếng súng ở những nơi khác trong thành phố.
Moscow cho biết họ sẽ tham vấn với Kazakhstan và các đồng minh về các bước hỗ trợ "hoạt động chống khủng bố" của Kazakhstan và lặp lại khẳng định của ông Tokayev rằng cuộc nổi dậy là do nước ngoài truyền cảm hứng.
Cuộc nổi dậy, bắt đầu khi các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu trong Ngày đầu năm mới, đã bùng lên vào thứ Tư, khi những người biểu tình hô khẩu hiệu chống Nazarbayev, xông vào và đốt cháy các tòa nhà công cộng ở Almaty và các thành phố khác.
Từ ngày 2/1, đám đông đã xuống đường tại các thành phố Zhanaozen và Aktau trong Vùng Mangystau, phía Tây Nam Kazakhstan, phản đối giá nhiên liệu tăng cao. Hai ngày sau, các cuộc biểu tình tràn sang Almaty, ở phía đông nam của đất nước cũng như các thành phố khác, bao gồm Atyrau, Aktobe (ở phía tây), Uralsk (ở phía tây bắc), Taraz, Shymkent, Kyzylorda (ở phía nam), Karaganda (ở phía đông bắc) và thậm chí cả thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan.
Tại Almaty cảnh sát phải sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông. Tổng thống Kazakhstan đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong hai tuần ở Vùng Mangystau và Vùng Almaty, cũng như thành phố Almaty lớn nhất của nước cộng hòa và thủ đô Nur-Sultan.
Ông Tokayev ban đầu phản ứng bằng cách bãi nhiệm nội các của mình, đảo ngược việc tăng giá nhiên liệu và tiếp quản một vị trí an ninh quyền lực mà người tiền nhiệm, ông Nazarbayev đã giữ lại.
Nhưng những động thái đó đã thất bại trong việc xoa dịu đám đông cáo buộc gia đình ông Nazarbayev và các đồng minh đang tích lũy tài sản khổng lồ trong khi quốc gia 19 triệu người vẫn nghèo.
Ông Nazarbayev từ bỏ nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2019, nhưng ông và gia đình vẫn giữ các chức vụ giám sát lực lượng an ninh và bộ máy chính trị ở Nur-Sultan, thủ đô của quốc gia Trung Á đang bất ổn này.