Các triết gia thế tục, cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại

'Các triết gia thế tục' của nhà kinh tế học và lịch sử kinh tế người Mỹ Robert L. Heilbroner là một trong hai cuốn sách bán kinh tế học bán chạy nhất mọi thời đại, với gần 4 triệu bản trên khắp thế giới.

Sách xuất bản lần đầu năm 1953, trải qua 7 lần sửa chữa, bổ sung và đã được sử dụng làm tài liệu đọc bổ trợ cho hàng loạt sinh viên nhập môn kinh tế trong nhiều thập niên qua.

Trong cuốn sách, tác giả Robert Heilbroner không chỉ nói về sự phát triển của tư tưởng kinh tế trong 2 thế kỷ qua, mà còn miêu tả một cách đầy cảm hứng về những nhân vật đã nổi danh, có ảnh hưởng lớn đến thế giới, nhưng chúng ta lại biết rất ít về họ.

Trong sách giáo khoa lịch sử, họ chỉ là những kẻ vô danh: không chỉ huy bất kỳ đội quân nào, không giết hại bất kỳ ai, càng không thống trị một đế chế hay chẳng mấy tham gia vào những quyết định mang tính lịch sử… Tuy vậy, những gì họ đã làm đều có ý nghĩa quyết định với lịch sử hơn nhiều so với những hành động của các chính khách.

Cuốn sách đưa ra những nhân vật nổi bật đều có tầm ảnh hưởng trong giai đoạn đầu phát triển của kinh tế học, đó là: Adam Smith, Karl Marx, Henry George, John Maynard Keynes, Thomas Malthus, Afred Marshall và John Stuart Mill… Những nhân vật này tham gia vào các vấn đề về chính sách công quan trọng liên quan tới việc cải thiện cuộc sống của người dân.

Tác giả mở đầu cuốn sách bằng một câu hỏi cốt lõi: Điều gì khiến nền kinh tế hiện đại khác biệt hoàn toàn so với nền kinh tế thời trung cổ và cổ đại, đến mức cần phải phát minh ra một ngành kiến thức hoàn toàn mới: “kinh tế” hay nghiên cứu về “kinh tế chính trị”?

Chỉ đến khi một cơn sốt của cải và đầu cơ đã thu hút sự chú ý của châu Âu và hệ thống thị trường đã ra đời. Hệ thống này gọi là Chủ nghĩa tư bản. Đóng góp đáng chú ý nhất của Adam Smith là học thuyết tự do kinh tế với bàn tay vô hình của thị trường và sự chuyên môn hóa lao động được ông nêu trong cuốn Sự thịnh vượng của các quốc gia.

Tiếp theo Adam Smith, Heilbroner tiếp tục tường thuật về lịch sử tư tưởng kinh tế, với những đóng góp của các triết gia thế tục vĩ đại. Thí dụ Ricardo là công cụ trừu tượng. Ông coi đất đai, lao động và vốn là những mặt hàng trừu tượng, các nhà kinh tế sau này có thể xây dựng các mô hình kinh tế. John Stuarrt Mill thì chỉ ra rằng phạm vi thực sự của luật kinh tế là sản xuất chứ không phải phân phối.

Ông liên kết các quy luật sản xuất với các quy luật tự nhiên. Còn Karl Marx là lý thuyết về biến động kinh tế, coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nổi bật trong mô hình của mình…

Heilbroner kết thúc cuốn sách bằng cách chỉ trích tình trạng kinh tế hiện tại. Ông lập luận rằng việc thu gọn kinh tế học thành một khoa học xã hội, cố gắng dự đoán hành vi của con người và thị trường thông qua các mô hình toán học không có bối cảnh chính trị xã hội, là vô ích và tự gây thất bại, và tước đi tiềm năng thực sự của lĩnh vực này.

Thùy Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cac-triet-gia-the-tuc-cuon-sach-ban-chay-nhat-moi-thoi-dai-post121731.html