Nga bất ngờ 'mở cửa' với việc phương Tây bảo đảm an ninh cho Ukraine?
Trong cuộc gặp bí mật tại Mỹ, đặc phái viên của Tổng thống Nga tuyên bố Moskva sẵn sàng xem xét bảo đảm an ninh cho Ukraine. Đây có phải là tín hiệu đầu tiên cho lộ trình kết thúc giao tranh?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một bước ngoặt đáng chú ý trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Kirill Dmitriev - đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã bất ngờ tuyên bố Moskva có thể chấp nhận "một số bảo đảm an ninh dưới một hình thức nào đó" dành cho Ukraine. Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Điện Kremlin về vấn đề then chốt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, tờ báo độc lập trực tuyến Euromaidan Press (EP) ngày 5/4 đưa tin.
Chuyến thăm lịch sử giữa căng thẳng
Ông Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia của Nga và là cố vấn thân cận của Tổng thống Putin, đã có chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài hai ngày - đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của quan chức Nga tới Hoa Kỳ kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong chuyến thăm này, ông Dmitriev đã gặp phái viên Mỹ Steve Witkoff, người từng có cuộc hội kiến với Tổng thống Putin tại Moskva vào tháng trước nhằm thúc đẩy kế hoạch lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình của Tổng thống Donald Trump.
Tại cuộc phỏng vấn với kênh Fox News sau các cuộc đàm phán, ông Dmitriev cho biết các cuộc thảo luận đã có "kết quả tích cực" và đưa ra tuyên bố gây chú ý rằng "một số bảo đảm an ninh dưới một hình thức nào đó có thể được chấp nhận" đối với Ukraine. Tuy nhiên, ông không nêu rõ những bảo đảm cụ thể nào mà Nga sẵn sàng chấp nhận, đồng thời kiên quyết bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO, cho rằng điều này "hoàn toàn không thể".
Tuyên bố của Dmitriev đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với lập trường truyền thống của Nga. Trước đây, ông Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine trải qua quá trình "phi quân sự hóa" - điều mà Kiev không thể chấp nhận. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã "kiên quyết" phản đối việc quân đội châu Âu làm lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky luôn khẳng định rằng các đảm bảo an ninh - chẳng hạn như tư cách thành viên NATO hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình của Mỹ và châu Âu - là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn việc bị tấn công trong tương lai. Sự thay đổi trong lập trường của Nga có thể mở ra cơ hội cho các bên tìm kiếm điểm chung.
Rào cản và bất đồng vẫn còn
Mặc dù có dấu hiệu tích cực, các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp diễn trên chiến trường. Kiev cáo buộc Moskva liên tục vi phạm thỏa thuận không tấn công các cơ sở hạ tầng và năng lượng, trong khi ông Dmitriev phản bác bằng cách tuyên bố chính Ukraine đã tấn công các mục tiêu năng lượng của Nga.
Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về các cuộc đàm phán. Theo Bloomberg, Washington đang chờ đặc phái viên Dmitriev báo cáo với nhà lãnh đạo Nga về kết quả chuyến thăm trước khi có các bước tiếp theo.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 5/4 cho rằng chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Dmitriev với tư cách là đại diện đặc biệt của tổng thống Nga về hợp tác kinh tế với nước ngoài cho thấy Washington sẵn sàng đối thoại với Moskva.
TASS dẫn bình luận của Sergey Oznobishchev, người đứng đầu bộ phận phân tích và nghiên cứu chính trị-quân sự tại Viện nghiên cứu Primakov về kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết giọng điệu gay gắt gần đây của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ Donald Trump đối với Nga không hề có ác ý thực sự nào đằng sau.
"Mọi người đều thấy rõ rằng việc tiếp tục đối thoại là cực kỳ có lợi cho cả Nga và Hoa Kỳ. Chuyến thăm Washington, D.C., của ông Dmitriev nhấn mạnh điểm này. Có vẻ như ông Dmitriev đã xoa dịu một số mối quan ngại mà Tổng thống Trump và các cấp cao của giới cầm quyền Hoa Kỳ bày tỏ về khả năng đạt được thỏa thuận với Nga", chuyên gia Oznobishchev nêu rõ.
Chuyên gia trên cũng lưu ý rằng đây là một diễn biến tích cực khi ông Dmitriev được những cá nhân tại Hoa Kỳ nắm giữ các vị trí quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Trump đón tiếp. "Việc thiết lập những mối quan hệ như vậy, bao gồm cả giao tiếp không chính thức, là rất quan trọng đối với lịch sử của hai nước, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng", ông Oznobishchev khẳng định.
Sau chuyến thăm, ông Dmitriev tuyên bố rằng Moskva và Washington đã tiến "ba bước" chỉ trong hai ngày. Ông lưu ý rằng nhiều vấn đề chưa được giải quyết đã được đề cập, bao gồm khả năng nối lại các khoản đầu tư của Mỹ vào Nga, triển vọng khai trương dịch vụ hàng không trực tiếp và các dự án chung tiềm năng, chẳng hạn như hợp tác trong lĩnh vực kim loại đất hiếm và thăm dò Bắc Cực.