Các trung tâm dữ liệu được dùng vào việc sưởi ấm tại châu Âu
Trong bối cảnh thiếu hụt khí đốt sưởi ấm, nhiều quốc gia châu Âu tìm kiếm nguồn lực hiện có để giải quyết vấn đề. Một trong số đó là trung tâm dữ liệu của các 'ông lớn' công nghệ.
Loạt trung tâm dữ liệu tại lục địa già tiêu thụ rất nhiều năng lượng giữ cho máy tính và máy chủ hoạt động. Nhiệt lượng khổng lồ là sản phẩm phụ của quá trình vận hành thường tiêu tan thông qua hệ thống điều hòa hoặc tháp giải nhiệt. Nguồn nhiệt này đang bị lãng phí. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu sử dụng nhiệt lượng tạo ra sưởi ấm các ngôi nhà.
Tại Đan Mạch, Meta (đơn vị sở hữu Facebook) đã thu hồi nhiệt lượng tạo ra từ trung tâm dữ liệu Odense từ năm 2020. Công ty hy vọng năm tới có thể cung cấp nhiệt lượng đủ sưởi ấm 11.000 ngôi nhà.
Microsoft, Apple, Amazon đều lên kế hoạch thực hiện điều tương tự. Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng cam kết tìm giải pháp tận dụng nhiệt lượng từ trung tâm dữ liệu.
Tại Hà Lan, 10 trung tâm dữ liệu được kết nối với hệ thống sưởi ấm khu vực giúp phân phối nhiệt lượng cho các ngôi nhà nằm gần. Cách thức tương tự sắp được áp dụng cho 15 trung tâm dữ liệu khác.
Dùng nhiệt lượng từ trung tâm dữ liệu có nhiều lợi ích: giúp giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải CO2 vì trung tâm dữ liệu thường dùng năng lượng tái tạo (điện gió hoặc điện mặt trời).
Tại Pháp và Đan Mạch, giới chức quốc gia lẫn địa phương dành ưu đãi thuế cho đơn vị tận dụng nhiệt lượng dư thừa, đồng thời yêu cầu một số dự án muốn được cấp phép xây dựng phải lắp hệ thống thu hồi nhiệt.
Không chỉ sưởi ấm hộ gia đình, nhiệt lượng từ hộ gia đình còn có thể dùng trong việc trồng trọt. Ông Jeroen Burks - người sáng lập một trung tâm dữ liệu tại Hà Lan - cho biết một trung tâm dùng 180kW điện đủ sức làm ấm không gian nhà kính 5.000m2 vào mùa đông, tạo điều kiện sản xuất 250 tấn cà chua.
Dùng trung tâm dữ liệu sưởi ấm ngày càng trở nên phổ biến ở châu Âu, năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng. Đây là giải pháp hiệu quả về chi phí và thân thiện với môi trường.