Các trường đại học: Nghịch lý ngành phụ 'nuôi' ngành chính
Nhiều trường đại học đang rơi vào tình trạng ngành phụ 'nuôi' ngành chính. Giới chuyên gia nhận định, cần phải chuyển đổi ngành đào tạo phù hợp, quy hoạch lại mạng lưới các trường.
Giải bài toán quy hoạch mạng lưới các trường ĐH như thế nào? (Ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An
Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện Phụ nữ Việt Nam là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2021 của trường có thể thấy các ngành đào tạo gắn liền với sứ mệnh then chốt như ngành Giới và Phát triển, Xã hội học đang mất vị thế so với các ngành được đào tạo đại trà ở nhiều trường khác. Ví dụ, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành và Truyền thông đa phương tiện hiện có chỉ tiêu cao nhất (200 chỉ tiêu); ngành Quản trị kinh doanh có 130 chỉ tiêu. Trong khi đó, các ngành chủ chốt, gắn liền với sứ mệnh như: Giới và Phát triển hiện chỉ tuyển 60 chỉ tiêu, Tâm lý học l60 chỉ tiêu, Xã hội học 50 chỉ tiêu. Số thí sinh trúng tuyển nhóm ngành “phụ” của trường áp đảo các ngành đặc thù.
Cụ thể, chỉ trong đợt công bố danh sách thí sinh trúng tuyển ĐH chính quy đợt 1 năm 2021, ngành Truyền thông đa phương tiện có 123 thí sinh trúng tuyển, ngành Quản trị kinh doanh - 88 thí sinh, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành - 62 thí sinh; ngành Xã hội học - 4 thí sinh, ngành Giới và Phát triển - 9 thí sinh, ngành Công tác xã hội - 13 thí sinh.
Tình trạng này cũng diễn ra trong các năm trước. Năm 2019, ngành Giới và Phát triển 24/50 thí sinh trúng tuyển, ngành Công tác xã hội 42/80 thí sinh trúng tuyển.
Tương tự, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Trường ĐH Công đoàn xác định sứ mệnh là đào tạo cán bộ cho tổ chức Công đoàn và đào tạo nguồn nhân lực cao cho sự phát triển kinh tế-xã hội; nghiên cứu khoa học về công nhân công đoàn, quan hệ lao động; tham gia với Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng các chính sách về người lao động.
Tầm nhìn đến 2030, trường xác định trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong khu vực về công nhân-công đoàn, là trường ĐH hàng đầu Việt Nam về đào tạo quan hệ lao động, an toàn về lao động và các ngành công tác xã hội, xã hội học.
Tuy vậy, những ngành được xác định là sứ mệnh chính của trường trong những năm qua, tuyển sinh đều không đạt chỉ tiêu và điểm chuẩn đều rất thấp. Năm 2019, ngành Công tác xã hội lấy điểm chuẩn 14, nhưng tỷ lệ thí sinh nhập học chỉ ở mức 50% so với chỉ tiêu; năm 2020, tỷ lệ nhập học cao hơn, 166/200 chỉ tiêu, nhưng điểm chuẩn chỉ 15 điểm.
Ngành Quan hệ lao động, năm 2019, điểm chuẩn là 14,1 điểm, tuyển sinh ở mức hơn 30%; năm 2020, điểm chuẩn là 14,5 và tuyển sinh ở mức 80/150 chỉ tiêu. Trong khi đó, ngành Luật, Tài chính-ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, tỷ lệ thí sinh nhập học đều vượt chỉ tiêu và điểm chuẩn cao hơn các ngành trong sứ mệnh chính tới gần 10 điểm.
Ngành Quản trị kinh doanh, năm 2019, tuyển sinh đạt 419/265 chỉ tiêu, vượt gần 57% và điểm chuẩn là 19,1. Năm 2020, chỉ tiêu của ngành này được trường xác định tăng lên nhưng vẫn vượt chỉ tiêu, điểm chuẩn là 22. Năm nay, điểm chuẩn ngành Quan hệ lao động là 15,1, Xã hội học là 17,75 và Luật là 25,5 (cao hơn 10,4 điểm so với ngành Quan hệ lao động).
Cần quy hoạch lại một số trường đào tạo hẹp
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cho hay, trường có lịch sử là trường đơn ngành, nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo nhân lực các ngành Thủy lợi, Tài nguyên môi trường, Giảm nhẹ thiên tai. Nhưng do xu hướng chung nhu cầu nhân lực của ngành giảm, nên trường hướng tới đào tạo đa ngành để phục vụ xã hội. Giai đoạn này, ngành nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng nên có thể khẳng định chiến lược phát triển của trường đi đúng hướng.
Theo ông Việt, với những trường đơn ngành, khi chuyển sang đa ngành phải có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, nhất là về đội ngũ giảng viên. Với giảng viên ở những ngành ít nhu cầu đào tạo, trường cũng cần có định hướng để đảm bảo thu nhập cũng như ổn định tâm lý.
GS Việt cho biết, chuyên ngành của ông là Công trình thủy; hiện tại, ngành này nhu cầu đào tạo không lớn như trước, nhưng nhiệm vụ của giảng viên không chỉ giảng dạy mà còn nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. Vì vậy, ông có thời gian để nghiên cứu khoa học, tham gia các dự án phục vụ sản xuất.
“Mạng lưới các trường ĐH hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta cần phải quy hoạch lại theo sứ mệnh, quản lý các trường ĐH theo sứ mệnh và các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng”.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT
Về vấn đề mở ngành ở các trường công lập, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, cho rằng, việc mở ngành học mới đang là xu hướng phát triển bình thường. Tuy nhiên, cũng cần có những thay đổi theo hướng tích hợp, liên ngành và kết nối để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động trong bối cảnh tiến bộ khoa học-công nghệ, góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Theo TS Vinh, hiện còn một số trường thuộc một số tổ chức chính trị-xã hội có chuyên ngành đào tạo (theo sứ mệnh) rất hẹp, nhưng vẫn tồn tại dưới hình thức cơ sở giáo dục ĐH độc lập, khả năng tự chủ thấp. Do đó, muốn nâng cao chất lượng, phải có sự đầu tư nhiều của Nhà nước hoặc mở thêm ngành đào tạo ngoài sứ mệnh để thu hút người học. Những trường ĐH như vậy rất cần được quy hoạch trở lại.
Ông Vinh cho rằng, việc mở ngành mới ở những trường này rất khó cạnh tranh tuyển sinh với những trường ĐH đã có thế mạnh và truyền thống đào tạo lâu đời, chưa kể sự trùng lặp ngành đào tạo gây ra lãng phí không nhỏ.