Các trường đại học ở Việt Nam có đào tạo phi hành gia?
Để trở thành phi hành gia bay vào không gian bạn cần phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt và đi nhiều nơi.
Trở thành một phi hành gia, tham gia hành trình phiêu lưu trong vũ trụ là giấc mơ của không ít người Việt. Tuy nhiên, để trở thành phi hành gia bạn cần phải vượt qua quá trình tuyển chọn cạnh tranh.
Việt Nam có đào tạo phi hành gia không?
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có trường đại học hay trung tâm nào có thể đào tạo phi hành gia. Nếu muốn trở thành phi hành gia bạn chỉ có thể đăng ký ở các trung tâm đào tạo trên thế giới như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và một số công ty không gian tư nhân.
Với NASA, cơ quan này có những yêu cầu khắt khe để tuyển chọn người trở thành phi hành gia. Yêu cầu cơ bản của NASA là bằng cử nhân về kỹ thuật, khoa học sinh học, khoa học vật lý, khoa học máy tính hoặc toán học. Ngoài ra, bạn phải có ba năm kinh nghiệm chuyên môn hoặc 1.000 giờ chỉ huy phi công trên máy bay phản lực.
Các ứng viên cũng phải vượt qua kỳ kiểm tra thể chất phi hành gia của NASA. Tuy nhiên, có nhiều kỹ năng khác để lựa chọn, ví dụ như lặn biển, trải nghiệm nơi hoang dã, kinh nghiệm lãnh đạo và khả năng sử dụng ngôn ngữ khác nhau (đặc biệt là tiếng Nga, ngôn ngữ mà tất cả các phi hành gia ngày nay đều phải học).
Trong khi đó, để đăng ký trở thành phi hành gia của ESA, bạn cần bằng thạc sĩ trở lên về khoa học tự nhiên, y học, kỹ thuật, toán học hoặc khoa học máy tính hoặc bằng phi công thử nghiệm. Tuy nhiên, bằng cấp là không đủ, để đáp ứng các yêu cầu, ứng viên cũng cần có kinh nghiệm thực tế ít nhất 3 năm kinh nghiệm sau đại học có liên quan trong lĩnh vực nghiên cứu.
Công việc cụ thể của phi hành gia
Mọi người thường nghĩ công việc của phi hành gia là ở trong không gian, nhưng trên thực tế, các phi hành gia chỉ dành một phần nhỏ trong sự nghiệp của họ ở trên cao. Hầu hết thời gian của họ sẽ được dành cho việc đào tạo và hỗ trợ nhiệm vụ khác.
Ứng viên phi hành gia có khoảng hai năm đào tạo cơ bản, nơi họ học huấn luyện sinh tồn, ngôn ngữ, kỹ năng kỹ thuật và những thứ khác mà họ cần để trở thành một phi hành gia.
Sau khi tốt nghiệp, các phi hành gia mới được giao nhiệm vụ không gian hoặc giao vai trò kỹ thuật trong Văn phòng Phi hành gia tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston. Những vai trò này có thể bao gồm hỗ trợ nhiệm vụ hiện tại hoặc tư vấn cho các kỹ sư của NASA về cách phát triển tàu vũ trụ trong tương lai.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-truong-dai-hoc-o-viet-nam-co-dao-tao-phi-hanh-gia-ar875073.html