Các trường đang 'bắc nước chờ gạo' môn Lịch sử từ Bộ GD&ĐT
Chỉ có 1 tháng để chuẩn bị cho những sự thay đổi của môn Lịch sử, nhưng đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể dẫn cụ thể triển khai vấn đề này.
Vừa qua (11/7), Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023.
Theo đó, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.
Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu). Trước những điều chỉnh có phần gấp rút này, nhiều trường THPT hiện nay bày tỏ rất nhiều băn khoăn.
Trao đổi với Người Đưa tin, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết:
“Việc môn Lịch sử từ môn tự chọn thành môn bắt buộc đối với khối THPT hiện nay vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, chỉ còn hơn một tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu, nếu thay đổi ở thời điểm này sẽ rất đường đột cho các trường và ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị tổ hợp của các em học sinh, mọi thứ sẽ phải thay đổi theo để phù hợp và ít nhiều chắc chắn sẽ có những xáo trộn”.
Ngoài ra, vấn đề đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng phải điều chỉnh, nhà trường phải sắp xếp lại số lượng giáo viên của môn Lịch sử và các môn học khác, “Nếu những thầy cô dạy Lịch sử tăng lên, những môn học khác học sinh không lựa chọn sẽ phải giảm xuống, khiến các trường sẽ phải bố trí lại đúng với yêu cầu thực tế”, thầy Bình chia sẻ.
Bày tỏ sự lo lắng về từ chương trình 70 tiết giảm xuống còn 52 tiết, lãnh đạo trường THCS & THPT Lương Thế Vinh rất mong những người làm công tác biên soạn sẽ đảm bảo chất lượng cho bộ môn Lịch sử nhất là đối với các em học sinh lớp 10.
“Trước đó, nội dung giảng dạy, nội dung sách giáo khoa chúng tôi đã được tập huấn ở chương trình 70 tiết. Nhưng khi điều chỉnh xuống thì phải có những buổi tập huấn tiếp theo nhưng đến nay nội dung thay đổi như thế nào chúng tôi vẫn chưa nắm được”, ông Bình thông tin.
Thay đổi vẫn đang nằm trên kế hoạch
Qua tìm hiểu của Người Đưa tin ở các địa phương, hầu hết hiện nay vẫn đang “bắc nước” chờ những hướng dẫn của thể tiếp theo và cũng chưa rõ sẽ có những thay đổi như thế nào. Phần lớn, các thầy cô đều mong muốn sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Ông Mạnh Hồng Hải, Hiệu trưởng trường THPT Uông Bí (Quảng Ninh), chia sẻ: “Hiện nay Bộ GD&ĐT mới xây dựng kế hoạch và đang có những điều chỉnh. Tuy nhiên, hướng thay đổi như thế nào vẫn chưa rõ, các trường vẫn đang chờ hướng dẫn mới có thể thực hiện được”.
Là một trong những trường đang chờ những hướng dẫn tiếp theo, ông Lê Minh Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT Cà Mau (Cà Mau) cho biết: “Nếu có những thay đổi như trong kế hoạch đã được đưa ra cũng không có quá nhiều ảnh hưởng trong việc xây dựng tổ hợp môn cho học sinh, nếu các em cần sự tư vấn đẽ được các thầy cô hỗ trợ. Phía trường chúng tôi cũng đã có lượng giáo viên ổn định để có thể sắp xếp phù hợp”.
Bên cạnh vướng mắc trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT, các trường hiện đã chủ động xây dựng kế hoạch cho phù hợp, Ông Trần Mạnh Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh)cho hay: “Điều chỉnh số tiết của Lịch sử cũng không quá phức tạp, trước đó Lịch sử vẫn là môn học có số lượng thời gian học lớn, nên nếu thay đổi từ 70 tiết xuống còn 52 tiết sẽ vẫn đủ “biên độ” để nhà trường sắp xếp”.
Dưới góc độ là người giảng dạy môn Lịch sử, trao đổi với Người Đưa tin, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên trường THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) chia sẻ: “Các bài giảng, giáo án, phương thức kiểm tra đánh giá cũng sẽ phải có những thay đổi rất nhiều nếu có sự điều chỉnh về số tiết. Các thầy cô cần có những cách tiếp cận mới để truyền đạt kiến thức đến các em”.
Đánh giá về quyết định mới này, thầy Hiển bày tỏ: “Vị trí của Lịch sử phải là môn bắt buộc nhưng sự điều chỉnh như hiện nay là một giải pháp có thể chấp nhận được. Thực tế, sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến việc học của các em, phần tự chọn sẽ là những nội dung nâng cao, những kiến thức cơ bản sẽ đại trà cho tất cả học sinh”.
Ngoài ra, đối với nội dung sách giáo khoa, theo thầy Hiền vì đã có những bài chuyên đề nên không quá khó để phân loại bắt buộc hay tự chọn.