Các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông, các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của xã hội trước khi đưa vào thực hiện chính thức.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hệ thống môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, thống nhất giữa các lớp trước và sau, tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Hệ thống các môn học cũng điều chỉnh để tương thích với nhiều nước trên thế giới.

“Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được phép xây dựng hoặc yêu cầu xây dựng kế hoạch giáo dục cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Việc này cũng phù hợp trong bối cảnh có nhiều bộ sách giáo khoa-tài liệu chính được sử dụng trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Hà Huy Giáp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, Chương trình đã chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở.

Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu giáo dục, bố trí và sắp xếp các môn học, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của các cấp học.

Ngoài ra, chương trình định hướng rõ các nhà trường được chủ động lựa chọn không gian tổ chức hoạt động giáo dục ở trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lý thuyết, thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, phục vụ cộng đồng.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, chương trình quy định các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn đáp ứng được đa dạng nhu cầu học tập của học sinh và phát huy hết tiềm năng của mỗi cá nhân.

Để tránh cho dư luận hiểu có quá nhiều môn học ở bậc Tiểu học, ông Hà Huy Giáp cho rằng, môn học "Cuộc sống quanh ta" ở lớp 1, 2, 3 nên đổi tên thành môn "Tìm hiểu tự nhiên và xã hội" để liên thông với môn học "Tìm hiểu tự nhiên" và môn học "Tìm hiểu xã hội" của lớp 4, 5.

Về điều kiện triển khai thực hiện tại địa phương, ông Giáp bày tỏ một số băn khoăn như các môn học Ngoại ngữ, Tin học trước đây là môn học tự chọn nay trở thành các môn học bắt buộc nên khi triển khai, ở một số địa phương số lượng và chất lượng giáo viên chưa đảm bảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dành cho 2 môn học này ở nhiều nhà trường hiện nay còn gặp khó khăn. Mặt khác, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao nên khó sắp xếp thời lượng cho 2 môn học.

“Trong Dự thảo, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là nội dung hết sức quan trọng trong việc hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Tôi cho rằng, khi triển khai hoạt động này với tư cách là một môn học bắt buộc thì các nhà trường sẽ phải đối diện với những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức.

Học sinh sẽ cần phải có thêm nhiều kỹ năng khi tham gia hoạt động và giáo viên cũng cần phải được đào tạo tốt hơn. Ngoài ra, sự ủng hộ, phối hợp của phụ huynh và cộng đồng còn hạn chế như hiện nay cũng sẽ ít nhiều tạo ra khó khăn cho một số nhà trường khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, ông Giáp cho biết.

BP

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/cac-truong-duoc-tu-chu-xay-dung-ke-hoach-giao-duc-rieng/304586.vgp