Các trường hợp, hoạt động bị hạn chế, tạm dừng ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền

Một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt ra khi đề nghị xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) là khắc phục sự bất cập trong quy định của các văn bản dưới luật về vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam là thành viên. Tại khoản 1 và khoản 2, Điều 11, Luật BPVN đã xác định rõ 4 nhóm trường hợp, 3 nhóm hoạt động bị hạn chế, tạm dừng ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như sau:

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lạng Sơn phối hợp với lực lượng dân quân tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lạng Sơn phối hợp với lực lượng dân quân tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Ảnh: CTV

“Điều 11. Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền

1. Các trường hợp được hạn chế hoặc tạm dừng bao gồm:

a) Xảy ra tranh chấp về biên giới, lãnh thổ; xung đột vũ trang; địch xâm nhập; hoạt động khác đe dọa đến chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia;

b) Xảy ra bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, truy bắt tội phạm có vũ khí;

c) Ngăn chặn thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh lan truyền qua biên giới;

d) Khi có đề nghị hoặc thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới về việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới.

2. Các hoạt động bị hạn chế hoặc tạm dừng bao gồm:

a) Trong vành đai biên giới: Ra, vào vành đai biên giới, khu vực có dịch bệnh, hỏa hoạn, lũ lụt, nguy cơ thiên tai xảy ra; họp chợ, tổ chức lễ hội; sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình, thăm dò, khai thác tài nguyên;

b) Trong khu vực biên giới: Ra, vào khu vực biên giới, khu vực có dịch bệnh, hỏa hoạn, lũ lụt, nguy cơ thiên tai xảy ra; họp chợ, tổ chức lễ hội; sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình, thăm dò, khai thác tài nguyên;

c) Qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ, lối mở”.

Quy định trên đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật BPVN thể hiện tại Tờ trình số 96/TTr-BQP ngày 10-1-2020 của Bộ Quốc phòng về Dự án Luật BPVN. Cụ thể:

Thứ nhất, quy định về các trường hợp, hoạt động bị hạn chế, tạm dừng ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền đã bảo đảm tính hợp hiến.

Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Với quy định này, Hiến pháp đã hiến định hai yêu cầu: 1) Không một văn bản nào có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân, ngoại trừ luật - văn bản có hiệu lực pháp lý cao, được ban hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ; 2) Về mặt nội dung, hạn chế quyền con người, quyền công dân phải thỏa mãn điều kiện “trường hợp cần thiết” với các nhóm lý do được liệt kê “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Trong khi đó, Điều 14, Pháp lệnh BĐBP quy định thẩm quyền của người chỉ huy BĐBP và mục đích “đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn tính mạng của nhân dân, ngăn chặn dịch bệnh lan truyền”; chưa nêu rõ thẩm quyền và các trường hợp cụ thể. Vấn đề này được nêu tại các văn bản khác như Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 6-1-1998 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh BĐBP; Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21-11-2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Thông tư số 2866/1998/TT-BQP ngày 12-9-1998 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 6-1-1998 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh BĐBP.

Như vậy, các quy định đó đã giới hạn một số quyền con người, quyền công dân trong các văn bản dưới luật. Khi Luật BPVN luật hóa vấn đề này đã khắc phục được bất cập nêu trên, đồng thời đã cụ thể hóa “nguyên tắc giới hạn quyền” do Hiến pháp quy định.

Thứ hai, quy định về các trường hợp, hoạt động bị hạn chế, tạm dừng ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền bảo đảm sự phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Trong đó, quy định tại các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên nêu rõ con người có quyền tự do đi lại, làm việc, tham gia vào đời sống văn hóa. Quy định tại các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước cũng khẳng định: “Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ an toàn về tính mạng hoặc sức khỏe của người, động vật, thực vật hoặc xuất phát từ các nguyên nhân an toàn, thiên tai hay tình trạng bất khả kháng..., mỗi bên đều có thể tạm thời hạn chế hoặc cấm việc xuất, nhập cảnh đối với người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải của họ...” (Điều 26, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc).

“Nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, an ninh - trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, sức khỏe cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh trên người, động vật, thực vật và hiểm họa của thiên tai, sự kiện y tế công cộng, bảo vệ môi trường và các trường hợp bất khả kháng khác, một bên có thể tạm thời hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải” (khoản 1, Điều 28, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào).

“Trong thời gian có dịch bệnh, người hay gia súc ở một vùng biên giới, cần tạm ngừng việc qua lại của những người dân khu vực biên giới lân cận của hai bên và ngừng việc mua bán, di chuyển gia súc trong khu vực biên giới đó cũng như ở các vùng lân cận” (điểm b, Điều 10, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia)...

Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 35, Luật BPVN đã sửa đổi, bổ sung Điều 21, Luật Biên giới quốc gia. Theo đó, Luật BPVN đã bổ sung thêm hình thức “thông báo” bên cạnh hình thức “đề nghị” của nước hữu quan khi xác định căn cứ quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới quốc gia cho phù hợp với thực tế; thống nhất sử dụng thuật ngữ “tạm dừng” thay cho “tạm ngừng”; phân biệt rõ vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BPVN với Luật Biên giới quốc gia.

Như vậy, quy định về trường hợp, hoạt động bị hạn chế, tạm dừng ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền đã bám sát quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Luật BPVN; kế thừa những quy định của Pháp lệnh BĐBP còn giá trị, khắc phục những vướng mắc, bất cập; rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; đồng thời, phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cac-truong-hop-hoat-dong-bi-han-che-tam-dung-o-vanh-dai-bien-gioi-khu-vuc-bien-gioi-cua-khau-loi-mo-bien-gioi-dat-lien-post436898.html