Các trường luật dạy nghiệp vụ tòa án: Nên hay không?

Còn ý kiến khác nhau về việc trường luật có nên đào tạo nghiệp vụ tòa án, nghiệp vụ xét xử để sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện thi vào ngành tòa án ngay.

Mỗi năm, TAND Tối cao tuyển dụng nhiều vị trí để vào làm việc trong ngành, chủ yếu là thư ký tòa án. Hầu hết các trường hợp muốn nộp hồ sơ thi tuyển thư ký tòa án thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ tòa án, nghiệp vụ xét xử.

Điều kiện thi tuyển thư ký tòa án

Cụ thể, theo thông báo tuyển dụng của TAND Tối cao, đa phần đều yêu cầu về trình độ chuyên môn để có thể thi tuyển thư ký tòa án. Cụ thể: Có trình độ cử nhân luật hệ chính quy loại khá trở lên và chứng chỉ (chứng nhận) bồi dưỡng nghiệp vụ tòa án hoặc chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử do Học viện Tòa án cấp; hoặc chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư (chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư) do Học viện Tư pháp cấp.

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát biểu tại ĐH Quốc gia TP.HCM mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc đặt ra yêu cầu chỉ cho phép thi tuyển thư ký đối với cử nhân luật có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thư ký, nghiệp vụ xét xử nhằm mục đích đảm bảo nguồn nhân lực đạt yêu cầu chất lượng cao của ngành và quan trọng là phù hợp với quy định của luật.

Theo Chánh án TAND Tối cao, mỗi năm có khoảng 700-800 người sẽ không còn làm việc trong ngành tòa án vì nhiều lý do như về hưu, sức khỏe, xin nghỉ việc… Số hao hụt này sẽ được tuyển dụng mới bù vào.

Ông Bình cho biết Học viện Tòa án (trực thuộc TAND Tối cao) chỉ tuyển sinh tối đa không quá 300 học viên mỗi năm. Như vậy, khoảng 400-500 vị trí còn lại sẽ được tuyển từ các cơ sở đào tạo luật khác. Điều kiện là họ phải học thêm chứng chỉ nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ tòa án ở Học viện Tòa án hoặc Học viện Tư pháp (mất khoảng sáu tháng) mới có cơ hội thi tuyển vào ngành.

Thực tế, các sinh viên (SV) tốt nghiệp đến từ các cơ sở đào tạo khác Học viện Tòa án vẫn có cơ hội vào làm việc trong ngành tòa án nếu có chứng chỉ nói trên để thi tuyển và vượt qua kỳ thi quốc gia.

Theo quy định tại Điều 92 Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch thư ký tòa án do Chánh án TAND Tối cao quy định.

Do vậy, theo các chuyên gia, việc đặt ra điều kiện tuyển dụng như trên là phù hợp với các quy định của luật nhưng cần đánh giá, xem xét lại.

Cạnh đó, vấn đề đặt ra là các trường ĐH có đào tạo ngành luật có nên mở môn học (chứng chỉ) nghiệp vụ tòa án, nghiệp vụ xét xử để tránh mất thêm thời gian học nghiệp vụ cho các cử nhân luật. Nói cách khác, SV luật tốt nghiệp là có thể đủ điều kiện thi vào ngành tòa án ngay.

Nhiều ý kiến khác nhau

Theo PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM, SV các trường luật đâu chỉ “nhắm” vào công việc thư ký tòa án sau khi tốt nghiệp. Có rất nhiều công việc khác mà các cử nhân luật có thể đảm nhận sau khi học xong.

Do vậy, hiện nay, chương trình đào tạo cử nhân luật của các cơ sở đào tạo luật hướng đến đào tạo kiến thức cơ bản, kiến thức nền. Các trường luật không nên đưa vào chương trình đào tạo hàng chục môn học bắt buộc nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho các ngành khác nhau.

Theo PGS-TS Nhiêm, ngành tòa án hay các ngành khác không nên đặt ra các điều kiện về kỹ năng, nghiệp vụ của ngành đó như một điều kiện trước khi tuyển dụng.

Các SV luật sau khi ra trường có thể nộp đơn, ứng tuyển, thi tuyển và được tuyển dụng vào nhiều vị trí trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị và những người sử dụng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế, chứ không chỉ ngành tòa án.

“Giải pháp có thể tính tới là đưa vào chương trình đào tạo cử nhân luật các môn học như nghiệp vụ tòa án, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ luật sư… là môn tự chọn nhưng cần tính toán kỹ. Điều này sẽ giúp các SV nếu xác định trước nghề nghiệp sau này và quyết tâm vào làm thì chọn môn học tự chọn đó để có thể được thi tuyển vào” - PGS-TS Vũ Văn Nhiêm nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nhiêm, ngành tòa án hay các ngành khác không nên đặt ra các điều kiện về kỹ năng, nghiệp vụ của ngành đó như một điều kiện trước khi tuyển dụng. Với năng lực của các cử nhân luật thuộc các trường luật hàng đầu thì việc họ được tuyển dụng vào rồi học nghiệp vụ để đảm nhận tốt yêu cầu công việc của ngành đó là “không quá khó khăn”.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng tòa án có kinh nghiệm và biết được làm thế nào để tuyển được thư ký tốt. Do đó, việc đặt ra yêu cầu có các chứng chỉ nghiệp vụ trước khi thi tuyển vào ngành ở một khía cạnh nào đó là hợp lý.

Theo PGS-TS Điện, các trường luật khác Học viện Tòa án vẫn có thể dạy và học tốt các môn nghiệp vụ liên quan đến tòa án. Bởi các trường ĐH đã có kinh nghiệm thiết kế khung chương trình đào tạo cũng như dạy và học các môn học về luật, nhất là các trường luật tốp đầu.

“Vấn đề là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa TAND Tối cao và các cơ sở đào tạo luật, nếu chỉ đơn phương các trường đề ra chương trình, rồi dạy và học các môn nghiệp vụ liên quan đến tòa án sẽ dẫn đến khả năng không đảm bảo các yêu cầu và TAND Tối cao không công nhận các môn học này. Điều này sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội. Hai bên cần minh bạch, làm rõ. Suy cho cùng, nếu dạy môn nghiệp vụ tòa án là để phục vụ cho ngành tòa án, xã hội được thụ hưởng” - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nêu quan điểm.

Có thể gây khó khăn cho cả người dạy và người học

Rõ ràng nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ tòa án là những công việc mà người trong ngành hiểu hơn ai cả. Trong khi đó, các giảng viên, những người dạy luật tại các trường ĐH “e rằng” khó có thể biết và hiểu cặn kẽ những công việc mang tính đặc thù nghiệp vụ, mặc dù các trường luật hiện nay cũng mời các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… để thỉnh giảng.

Do đó, việc đưa vào chương trình học các môn nghiệp vụ như trên có thể gây khó khăn nhất định cho cả người dạy và người học. Đã học luật thì đâu chỉ làm tòa án. Việc định hướng nghề nghiệp như vậy cũng là không xác đáng. Cứ cho thi vào, nếu đủ năng lực thì thi đậu, sau đó tập sự, rồi còn bồi dưỡng nghiệp vụ.

Việc đặt ra tiêu chí có chứng chỉ nghiệp vụ mới cho thi vào cũng là không nên. Điều này thực chất là tạo hàng rào kỹ thuật, mang tính thiên vị, mất đi sự cạnh tranh công bằng.

Hiện nay, Học viện Tư pháp là nơi đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp. Do đó, nếu việc thi tuyển vẫn yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ (không riêng gì ngành tòa án) thì SV ra trường có thể đến đây học để đảm bảo đủ điều kiện nộp hồ sơ.

ThS VÕ VĂN TÀI, Phó khoa Kiểm sát hình sự

Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM

HOA THI

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-truong-luat-day-nghiep-vu-toa-an-nen-hay-khong-post731954.html