Các trường mầm non tư thục 'đỏ mắt' tuyển giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non, nhất là ở các trường tư thục, diễn ra từ nhiều năm nay, gây áp lực cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.
Sau gần một năm tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại, không khó để bắt gặp những thông tin tuyển dụng cả giáo viên, bảo mẫu để chuẩn bị cho trẻ tới lớp. Mầm non là cấp học tạm dừng đầu tiên và trở lại cuối cùng vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong ngày đầu trẻ trở lại học trực tiếp có tới gần 600 giáo viên và nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh vắng mặt. Trong đó, chủ yếu là những giáo viên, nhân viên làm hợp đồng thời vụ tại các cơ sở tư thục.
Lý do một phần bởi nghỉ dịch quá lâu, trong khi các bậc học khác có thể chuyển đổi hình thức dạy và học trực tuyến thì bậc học mầm non đóng cửa hoàn toàn, giáo viên mầm non hầu như không có thu nhập đảm bảo. Khi cánh cửa trường học đóng lại, hàng ngàn giáo viên đã buộc phải "gõ cửa" những nghề nghiệp mới. Không ít giáo viên mầm non đã phải chuyển sang bán hàng online, nhận hàng gia công, chạy chợ, đầu quân cho các khu công nghiệp… Điều này càng khiến việc tuyển giáo viên mầm non trở nên khó khăn hơn.
Khi học sinh phải nghỉ ở nhà một năm trước, nhiều trường đã không đủ năng lực để trả lương giáo viên và nhiều giáo viên cũng chuyển nghề nên chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, hiện nay việc tuyển dụng lại giáo viên mầm non đang là bài toán nan giải của nhiều cơ sở mầm non.
Cô giáo Nguyễn Tùng, quản lý Trường mầm non tư thục Mầm non Sunny school (Gia Viễn) cho biết tháng đầu tiên khi mở cửa trở lại, trường đã rục rịch chuẩn bị công tác nhân sự rất kỹ, phải đăng tuyển giáo viên mới do một số cô không chờ nổi đã chuyển đổi ngành nghề khác. Dù nhận được khoản hỗ trợ từ Nhà nước và từ phía nhà trường nhưng do nhiều tháng nghỉ dạy không lương nên nhiều cô bỏ hẳn nghề vì không cầm cự được.
Bởi vậy, trước dịch trường đã thiếu nhân sự, sau dịch lại càng thiếu. Mặc dù yêu cầu về trình độ của trường đối với chỉ tiêu tuyển dụng có cả từ trung cấp, cao đẳng, đại học, chấp nhận người mới tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non, nhưng vẫn khó để tuyển được người.
Chị Vũ Hoàng Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Ban Mai (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Binh) chia sẻ: Các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động. Đến nay, khi nhà trường mở cửa trở lại, một số giáo viên đã bỏ nghề, không trở lại trường khiến các cơ sở giáo dục mầm non tư thục không chỉ chật vật vì tuyển sinh mà đến giáo viên, nhân viên cũng thiếu.
Theo tìm hiểu, ngoài lý do nghỉ việc bởi dịch bệnh thì đa phần giáo viên hiện nay không mặn mà với nghề bởi lương thấp, tính chất công việc tương đối vất vả, chế độ cho người lao động là giáo viên chưa đáp ứng được nguyện vọng.
Cô giáo V.T.N từng là giáo viên Trường mầm non tư thục HS (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Cô đã gắn bó với công việc giáo viên 3 năm. Tính chất công việc tương đối vất vả, thời gian làm việc kéo dài trên 8 tiếng/ngày và chịu nhiều áp lực từ phía phụ huynh. Đợt dịch kéo dài vừa qua cô đã tạm gác công việc "gõ đầu trẻ" để cùng chồng phát triển kinh doanh mảng y tế. Khi trường mở cửa đón học sinh trở lại có chiêu mộ cô tiếp tục gắn bó với trường nhưng cô và chồng đều quyết định chấm dứt hợp đồng lao động để chuyên tâm kinh doanh bên ngoài. Cô N cho rằng việc kinh doanh ngoài đem lại thời gian tự do, tâm lý thoải mái và mức thu nhập tốt hơn so với công việc làm giáo viên mầm non.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022 toàn tỉnh Ninh Bình có 275 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 155 trường mầm non và 120 nhóm lớp tư thục với tổng số 7.504 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là ở ven các khu, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố. Số lượng trẻ tăng đồng nghĩa phải gia tăng lớp học, trường học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên.
Theo quy định cần có tối đa 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, thì hiện nay hầu hết các lớp trong địa bàn tỉnh còn thiếu từ 0,7 - 1 giáo viên/lớp, cụ thể với 120 nhóm lớp tư thục trên địa bàn tỉnh, ước tính thiếu khoảng hơn 100 giáo viên đứng lớp để đảm bảo tiêu chuẩn giảng dạy theo quy định. Cơ sở vật chất thì đầy đủ, phòng học còn thừa nhưng không có giáo viên để mở lớp. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh đông nhưng thiếu giáo viên, một giáo viên phụ trách nhiều lớp, hoặc các lớp gộp 1, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, ngành Giáo dục cần có những giải pháp căn cơ và có lộ trình để bảo đảm ổn định đội ngũ giáo viên trong các nhà trường. Các địa phương cần thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm các điểm trường lẻ tự phát, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Trước mắt, để đảm bảo duy trì tốt việc dạy và học, các trường mầm non cần khẩn trương triển khai việc tuyển dụng đủ giáo viên, giảm bớt tiêu chí và yêu cầu tuyển dụng, tăng thêm nhiều chính sách thu hút hấp dẫn, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đãi ngộ giáo viên mầm non theo quy định hiện hành, quan tâm ưu tiên hơn nữa đến đời sống của giáo viên mầm non.
Ngoài ra, trong các nhà trường nên xây dựng chính sách ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực hoặc có thành tích cao trong ngành giáo dục, nâng cao mức lương, thưởng phù hợp với thâm niên làm việc của cô giáo, từ đó khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề.
Trường hợp bất khả kháng, lớp không đủ giáo viên, trường phải chấp nhận gộp lớp để duy trì. Tuy nhiên, nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây nên quá tải công việc cho các giáo viên đang đứng lớp, kèm theo chất lượng giảng dạy không được đảm bảo, về lâu dài không phải là giải pháp tối ưu, cần phải thay đổi và khắc phục.
Bài, ảnh: Lan Anh