Các từ ngữ được giải thích trong Luật Biên phòng Việt Nam

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11-11-2020. Đây là đạo luật đầu tiên quy định một cách tổng thể và chuyên biệt về biên phòng của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 18, Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14-3-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Luật BPVN đã dành riêng một điều luật để giải thích về những 'từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung'. Cụ thể như sau:

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi, BĐBP Cà Mau tuần tra biên giới biển. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi, BĐBP Cà Mau tuần tra biên giới biển. Ảnh: Bích Nguyên

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

2. Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.

3. Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

4. Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trên đất liền trở vào từ 100m đến 1.000m do HĐND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia quyết định, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế của BĐBP”.

Trong quy định tại Điều 2, Luật BPVN thì có 4/5 từ ngữ lần đầu tiên được giải thích bởi luật, đó là “biên phòng”, “nền biên phòng toàn dân”, “thế trận biên phòng toàn dân”, “cán bộ, chiến sĩ BĐBP”. Với cách tiếp cận đa chiều, “biên phòng” được lý giải trên cả bình diện hình thức (hoạt động), nội dung (biện pháp), phương tiện (sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc) và mục tiêu (bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới), khẳng định vai trò là “chìa khóa”, giúp làm rõ tên Luật BPVN, thống nhất về quan điểm sự khác biệt giữa “biên phòng” và “BĐBP”.

“Nền biên phòng toàn dân” và “thế trận biên phòng toàn dân” là những thuật ngữ không hề “mới” bởi đã được ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong Điều 28, Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Điều 10, Pháp lệnh BĐBP năm 1997 và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nhưng ngoài các bàn luận về mặt khoa học, những thuật ngữ này chưa từng được giải thích một cách chính thức.

Việc Luật BPVN chính thức giải thích về những thuật ngữ này đã khẳng định một cách rõ ràng nội hàm của nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân, thể hiện sự hợp pháp hóa ở mức độ cao hệ thống quan điểm khoa học về xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân của đội ngũ các nhà khoa học quân sự trong những năm qua.

Vành đai biên giới là thuật ngữ đã được đề cập và giải thích trong nhiều văn bản dưới luật quy định về quy chế khu vực biên giới đất liền. Hiện nay, thuật ngữ này đã được giải thích tại khoản 2, Điều 3, Nghị định số 134/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với nghĩa là “phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào, được thiết lập nhằm quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; nơi hẹp nhất 100m, nơi rộng nhất không quá 1.000m, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác cao của thuật ngữ và tính linh hoạt của việc xác lập vành đai biên giới trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Luật BPVN không ghi nhận mục đích của việc xác lập vành đai biên giới và bổ sung thẩm quyền quyết định vành đai biên giới trong trường hợp bình thường cho HĐND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia. Trong trường hợp đặc biệt, việc quyết định về vành đai biên giới vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Lực lượng BĐBP được thành lập theo Nghị định số 100-TTg ngày 3-3-1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội Quốc phòng, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang. Trải qua hơn 61 năm xây dựng và phát triển, lực lượng BĐBP luôn được cấu thành bởi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Điều 19, Pháp lệnh BĐBP năm 1997 quy định: “BĐBP gồm có sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức Quốc phòng”. Khi Pháp lệnh BĐBP đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” và việc điều chỉnh pháp lý về lực lượng BĐBP được đặt trong tổng thể của sự điều chỉnh các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, thì việc có một quy định riêng để giải thích về “cán bộ, chiến sĩ BĐBP” trong Luật BPVN là cần thiết.

Quy định về “Giải thích từ ngữ” tại Điều 2, Luật BPVN là một trong những quy định thể hiện sự tuân thủ yếu tố kỹ thuật trình bày nội dung của luật mà Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 đã xác định. Qua đó, những từ ngữ chuyên môn mang tính chất đặc thù của Luật BPVN đã được giải thích rõ là cơ sở pháp lý để thống nhất nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là định hướng cho các nghiên cứu khoa học về lĩnh vực biên phòng nói riêng, lĩnh vực quốc phòng và an ninh nói chung trong thời gian tới.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cac-tu-ngu-duoc-giai-thich-trong-luat-bien-phong-viet-nam-post436035.html