Các vận động viên Olympic kiếm được bao nhiêu tiền khi giành huy chương?

So với Mỹ, Singapore thưởng nhiều gấp 20 lần cho vận động viên giành huy chương vàng Olympic...

Vận động viên cử tạ Hidilyn Diaz, người giành huy chương vàng đầu tiên tại một kỳ Thế vận hội cho Philippines - Ảnh: Getty/CNBC.

Tuần này, tại Olympic 2020 đang diễn ra ở Tokyo, Philippines đã lần đầu tiên giành huy chương vàng tại một kỳ Thế vận hội, với tấm huy chương thuộc về nữ vận động viên cử tạ Hidilyn Diaz.

Với thành tích lịch sử này, Diaz sẽ nhận được số tiền thưởng ít nhất 33 triệu Peso Philippines, tương đương khoảng 600.000 USD, từ Ủy ban Thể thao Philippines và giới doanh nghiệp nước này. Ngoài ra, cô còn được tặng hai căn nhà và được đi máy bay miễn phí trọn đời.

Theo hãng tin CNBC, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không thưởng tiền mặt cho các vận động viên đạt huy chương, nhưng nhiều quốc gia thưởng đậm bằng tiền mặt cho các vận động viên của nước mình nếu họ giành huy chương Thế vận hội.

Dưới đây là mức tiền thưởng dành cho mỗi huy chương Olympic của 12 quốc gia dành cho vận động viên của mình, do CNBC thu thập được:

Có hơn 600 vận động viên Mỹ tham gia thi đấu tại Olympic Tokyo và tính đến ngày 29/7, đoàn Mỹ đã giành 11 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và 9 huy chương đồng.

Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ thưởng 37.500 USD cho mỗi huy chương vàng, 22.500 mỗi huy chương bạc, và 15.000 USD mỗi huy chương đồng. Phần lớn giải thưởng tiền mặt này không bị đánh thuế, trừ phi vận động viên đạt tổng thu nhập cả năm vượt mức 1 triệu USD.

Ngoài ra, các vận động viên Mỹ còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác, gồm bảo hiểm y tế, quyền tiếp cận với các cơ sở chăm sóc y tế cao cấp nhất, và hỗ trợ học phí đại học.

So với Mỹ, Singapore thưởng nhiều gấp 20 lần cho vận động viên giành huy chương vàng Olympic.

Người mang về huy chương vàng Thế vận hội đầu tiên cho đảo quốc sư tử sẽ được thưởng 1 triệu Đôla Singapore, tương đương 737.000 USD. Số tiền thưởng này bị đánh thuế và người nhận sẽ phải trao lại một phần cho liên đoàn thể thao quốc gia để đóng góp cho công tác đào tạo và phát triển vận động viên.

Đoàn vận động viên Singapore dự Olympic đang diễn ra ở Tokyo gồm 23 người.

Nền kinh tế thể thao phát triển ở Mỹ, với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, cho phép các vận động viên nước này kiếm tiền tốt hơn từ tài năng của mình – theo Giám đốc điều hành Unmish Parthasarithi của công ty tư vấn Picture Board Partners. Trái lại, ở những nước như Singapore hay Âns Độ, nhiều sáng kiến thể thao quốc gia đều do chính phủ thúc đẩy, đôi khi dùng mức tiền thưởng lớn để khuyến khích văn hóa thể thao.

Malaysia cũng là quốc gia đưa ra mức thưởng lớn cho vận động viên đạt huy chương Olympic.

Mỗi vận động viên giành huy chương vàng Olympic cho Malaysia sẽ được thưởng 1 triệu Ringgit (236.149 USD), huy chương bạc nhận 300.000 Ringgit, và huy chương đồng nhận 100.000 Ringgit. Tính ra, tiền thưởng dành cho huy chương bạc và đồng của Malaysia còn cao hơn cả mức thưởng dành cho huy chương vàng của Australia hay Canada.

Nhưng ngoài tiền thưởng, các vận động viên có huy chương ở Olympic còn có các nguồn thu hấp dẫn khác.

Vận động viên từ những nước có nền thể thao mạnh được nhận lương hoặc tiền hỗ trợ tập luyện từ liên đoàn thể thao quốc gia. Những vận động viên giỏi nhất có tiền thưởng từ việc giành chiến thắng trong các giải đấu trong và ngoài nước. Có những vận động viên ăn lương thường xuyên nhờ có một số công việc khác.

Tuy nhiên, cũng có một số vận động viên – như Zhang Beiwen của môn cầu lông thuộc đoàn Mỹ - được cho là phải dựa vào tiền quyên góp để trang trải cho chuyến đi tới Tokyo. Hầu hết các vận động viên của đoàn Mỹ không có người đại diện, và nhiều người không có bất kỳ nhà tài trợ nào – tạp chí Forbes cho hay.

Vài vận động viên có thể giành được những hợp đồng tài trợ hoặc quảng cáo trị giá nhiều triệu USD, nhờ việc tham dự Olympic hoặc sau khi giành chiến thắng tại đấu trường này. Chẳng hạn, ngôi sao quần vật Naomi Osaka được cho là đã nhận được 55 triệu USD tiền tài trợ và quảng cáo trong 12 tháng, trở thành nữ vận động viên có thu nhập “khủng” nhất từ trước đến nay.

Vận động viên quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka - Ảnh: Getty/CNBC.

Dù vậy, giành được những hợp đồng béo bở như vậy là hiếm, và chắc chắn không phải là tiêu chuẩn trong làng thể thao.

Ông Parthasarathi nói rằng cách kiếm tiền tốt nhất đối với một số vận động viên là trở thành huấn luyện viên sau khi nghỉ thi đấu, vì học viên sẵn sàng trả thêm tiền để được học một người thầy từ thi đấu ở Olympic.

An Huy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-van-dong-vien-olympic-kiem-duoc-bao-nhieu-tien-khi-gianh-huy-chuong.htm