Các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng có tính cách mạng, hành động, khả thi cao

Truyền đạt chuyên đề 1 tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được bổ sung, hoàn thiện nội dung theo hướng có tính cách mạng, hành động, khả thi cao…

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Sáng ngày 16/4/2025, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề 1, trong đó nêu rõ: tại Hội nghị Trung ương 11, các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được bổ sung, hoàn thiện nội dung theo hướng có tính cách mạng, hành động, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện Đại hội Đảng.

BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐƯỢC XÂY DỰNG NGẮN GỌN, XÚC TÍCH, TÍNH QUYẾT TÂM CAO

Thủ tướng đã truyền đạt chuyên đề 1 về những nội dung cốt lõi, điểm mới trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng gồm: Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; dự thảo Báo cáo chính trị; dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thông thường sau Hội nghị lần thứ 10, chúng ta tiếp thu ý kiến Trung ương để hoàn thiện các văn bản, trên cơ sở đó chuyển cho các cấp để thảo luận tại Đại hội đảng các cấp. Nhưng từ Hội nghị lần thứ 10 đến Hội nghị lần thứ 11, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, khó lường, khó định đoán.

Ở trong nước, chúng ta làm rất nhiều việc trong thời gian ngắn với yêu cầu cao, nội dung phong phú, mọi việc đều phải kịp thời, nhanh, để triển khai đáp ứng yêu cầu thực tiễn như cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn; xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế quốc gia…

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Những nội dung này đòi hỏi phải bổ sung, cập nhập hoàn thiện các dự thảo văn kiện mà Hội nghị lần thứ 10 chúng ta chưa kịp bổ sung. Thủ tướng nêu rõ: “Đây chính là sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Trung ương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn khách quan để đo lường kết quả, thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của Đảng ta”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo các Tiểu ban Văn kiện cập nhập tình hình, đồng thời chúng ta rút gọn lại các văn kiện (ít nhất là 30 - 40%). Như vậy, từ Hội nghị lần thứ 10 đến Hội nghị lần thứ 11, chúng ta thay đổi nhiều về hình thức và nội dung, ngắn gọn hơn, súc tích hơn, thể hiện tính chiến đấu, khả thi, tính xác thực và đặc biệt là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn”.

Tại Hội nghị lần thứ 11, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã có 538 lượt ý kiến để hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Các ý kiến đều rất thực tiễn, thảo luận rất sôi nổi, tích cực.

LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM, CHỦ THỂ, KHÔNG HY SINH MÔI TRƯỜNG

Nêu những điểm mới trong dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hương xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết báo cáo đã bổ sung nội dung phân tích bối cảnh, tình hình; khẳng định hoàn thiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuyên suốt quá trình đó, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, không hy sinh môi trường, văn minh, công bằng, tiến bộ xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, tăng trưởng nhanh, song phải bền vững…

Thủ tướng giới thiệu các nội dung về phát triển nhận thức lý luận của Đảng và thành tựu qua 40 năm đổi mới; bài học kinh nghiệm; đặc biệt là những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội; cho biết, dự thảo Báo cáo khẳng định, sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với văn hóa hơn 4.000 năm lịch sử hào hùng của Việt Nam được vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam và bối cảnh thế giới.

“Đây là sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể Việt Nam thời kỳ mới; là sự phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phù hợp với các quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn đất nước và xu thế thời đại; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: Quốc hội.

Ảnh: Quốc hội.

Thủ tướng cho biết trong dự thảo báo cáo chính trị, trên cơ sở bổ sung các thành tố tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và chỉnh sửa, bảo đảm ngắn, gọn, rõ, mang tính hiệu triệu, hành động mạnh mẽ, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN ĐỒNG BỘ THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG

Báo cáo chính trị phân tích, bổ sung, nhấn mạnh các điểm mới về bối cảnh, tình hình; đồng thời bổ sung các kết quả nổi bật đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá, đạt mức trung bình 6,2%/năm, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có nhiều tiến bộ.

Chỉ số phát triển con người (HDI) được nâng lên. Nước ta thực hiện miễn học phí đối với học sinh mẫu giáo và phổ thông các cấp. Các cấp ngành, địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp và công nhân lao động. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên.

Công nghiệp quốc phòng, an ninh được đầu tư phát triển, có đột phá, bảo đảm tính lưỡng dụng, hiện đại. Việt Nam tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; nâng tầm và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn.

Đất nước thực hiện cuộc cách mạng về cấu trúc lại mô hình tổng thể và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Cùng với bổ sung nhận định bài học kinh nghiệm và dự báo bối cảnh, tình hình, trong báo cáo chính trị, Trung ương bổ sung, nhấn mạnh quan điểm: Bảo đảm phát triển để ổn định và ổn định để phát triển nhanh, bền vững đất nước; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững; tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt; khơi thông và giải phóng mọi nguồn lực, phát huy mọi động lực. Cùng với đó là đột phá mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thu hút, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới.

Về mục tiêu phát triển, bổ sung, nhấn mạnh các nội hàm về: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; cải thiện và nâng cao toàn diện đời sống nhân dân.

Đặc biệt, báo cáo đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026 - 2030, rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cho giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.

Thủ tướng nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo Báo cáo Chính trị về hoàn thiện thể; cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn hóa và con người Việt Nam; xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu; đối ngoại và hội nhập quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030”, Thủ tướng Chính phủ cho biết kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Trong 2 năm cuối nhiệm kỳ tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều quyết sách, tạo được nhiều dấu ấn mang tính lịch sử, nhất là thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.

Các bên liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài; đẩy nhanh xây dựng, triển khai hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, điện hạt nhân; nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, các đơn vị thực hiện miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập; tập trung hoàn thành mục tiêu cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; quan tâm đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tích cực thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; thành lập “Quỹ nhà ở xã hội quốc gia”. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,09%, dự kiến năm 2025 đạt 8% trở lên, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

Về dự báo bối cảnh tình hình, quan điểm, mục tiêu phát triển giai đoạn 2026-2030, dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó một số nội dung mới về: hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới; phát triển kinh tế tư nhân, xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; thực hiện quyết liệt đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Xây dựng nền giáo dục quốc dân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển vùng, địa phương, đô thị, nông thôn; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Hà Lê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiv-cua-dang-co-tinh-cach-mang-hanh-dong-kha-thi-cao.htm