Các vật dụng y tế không thể thiếu khi đi cắm trại trong mùa hè

Khi đi cắm trại bạn có thể gặp một vài chấn thương hoặc các vấn đề sức khỏe khác một cách đột ngột. Điều cần thiết là bạn cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng y tế để đối phó và xử lý các tình huống một cách kịp thời.

Cắm trại là hoạt động vui chơi bổ ích, giúp bạn thư giãn sau những ngày làm việc vất vả cũng như giúp mọi người gắn kết với nhau. Tuy nhiên, những hoạt động khi cắm trại có thể gây chấn thương hoặc bạn cũng có thể gặp một vấn đề sức khỏe nào đó. Chủ động chuẩn bị các vật dụng y tế sẽ giúp bạn đối phó với các phát sinh một cách tốt nhất.

1. Chấn thương, bệnh lý dễ gặp khi đi cắm trại

Khi đi cắm trại, mặc dù cẩn thận nhưng bạn vẫn có thể gặp một vài chấn thương hoặc các vấn đề sức khỏe khác như:

- Ngã: Bạn có thể bị ngã khi leo trèo trên cây, đi qua suối hoặc rừng hoặc đơn giản là nô đùa với nhau. Ngã hiếm khi dẫn đến chấn thương nghiêm trọng và bạn chỉ cần bôi dung dịch kháng khuẩn và băng bó vết thương.

- Đứt tay, chân: Mọi người đều mang theo dao để chuẩn bị cho những bữa ăn tại đó. Nhưng đôi khi vô tình chúng ta có thể cứa vào tay và làm bạn bị thương. Hoặc không những cành cây nhọn cũng có thể làm bạn đứt tay nếu va vào chúng.

- Bỏng: Lửa trại là một trong nhiều niềm vui khi đi cắm trại, nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm, khiến bạn bị bỏng nếu như không cẩn thận. Đặc biệt là trẻ em.

- Cháy nắng: Nếu bạn lựa chọn đi cắm trại vào những ngày nắng to mà không che chắn cẩn thận, nhất là địa điểm cắm trại ít tán cây thì khả năng cao bạn có thể bị cháy nắng.

Khi đi cắm trại chúng ta có thể gặp nhiều chấn thương (Ảnh: Internet)

Khi đi cắm trại chúng ta có thể gặp nhiều chấn thương (Ảnh: Internet)

- Say nắng: Cùng với việc vận động nhiều và bổ sung không đủ nước, bạn sẽ dễ bị say nắng với các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ...

- Phát ban: Nếu cắm trại ở những khu vực nhiều cây cối, các loại côn trùng hoặc một số loại cây có thể khiến bạn bị phát ban với các triệu chứng như mẩn ngứa, nổi mụn.

- Côn trùng, động vật cắn: Các loại côn trùng như muỗi, bọ có thể khiến bạn bị nổi mẩn và ngứa ngáy. Nhưng một số loại như ong, rắn khi cắn sẽ gây nguy hiểm.

- Rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm: Chúng ta thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn khi đi cắm trại. Tuy nhiên, đối với những thực phẩm chín, nếu bảo quản không đúng cách, khi ăn có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nếu các thực phẩm sống và được chế biến ngay tại khu vực cắm trại, với việc không có đầy đủ nước, vật dụng nấu nướng, ... có thể món ăn không được đảm bảo vệ sinh, nguy cơ cao bạn sẽ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc với các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn.

2. Các vật dụng y tế cần mang theo khi đi cắm trại

Như đã nói ở trên, chúng ta có thể gặp bất kỳ chấn thương hoặc bệnh tật nào đó khi đi cắm trại. Do đó, bạn nên dự phòng các vật dụng y tế dưới đây để có thể sử dụng khi cần thiết:

- Vật dụng y tế cơ bản: Các bạn nên mang theo các vật dụng y tế cơ bản như khăn lau sát trùng, băng keo y tế, băng dán vô trùng, gạc, nhíp, băng dính, kéo, cặp nhiệt độ.

- Băng, nẹp và miếng dán che vết thương: Các vật dụng y tế này sẽ giúp bảo vệ vết thương và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, cho dù đó chỉ là vết thương nhỏ.

- Thuốc men: Để đề phòng trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đau nhức đầu, đau mắt, ... bạn nên mang theo các loại thuốc như men tiêu hóa, cảm cúm, giảm đau, điện giải, thuốc nhỏ mắt, ... Một số loại thuốc cần thiết khác như thuốc mỡ kháng khuẩn, thuốc chữa phỏng rộp, thuốc chống côn trùng đốt, thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin nhằm điều trị dị ứng.

Ngoài ra, nếu bạn mắc các bệnh lý mãn tính và cần dùng thuốc hàng ngày thì hãy nhớ mang theo để có một chuyến cắm trại vui vẻ mà an toàn.

- Thuốc chống côn trùng: Bạn có thể lựa chọn nhiều loại thuốc chống côn trùng nhưng lưu ý là không sử dụng thuốc chứa nhiều DEET hơn mức cần thiết. Không sử dụng thuốc chống côn trùng trên tay của trẻ nhỏ hoặc mặt của trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Thuốc men và các vật dụng y tế cơ bản là những thứ không thể thiếu khi đi cắm trại (Ảnh: Internet)

Thuốc men và các vật dụng y tế cơ bản là những thứ không thể thiếu khi đi cắm trại (Ảnh: Internet)

Bạn nên sắp xếp các vật dụng y tế trên bằng một chiếc ba lô nhỏ hoặc túi vải thô, sắp xếp chúng một cách ngăn nắp để bạn có thể nhanh chóng tìm thấy mọi thứ trong tình huống khẩn cấp. Sử dụng túi nhựa trong để đựng các vật tư khác nhau và dán nhãn cho phù hợp sẽ hữu ích khi cần sử dụng.

Đặc biệt, nếu như bạn hoặc người thân gặp chấn thương nặng khi đi cắm trại thì nên tìm cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp.

3. Các lưu ý khác khi đi cắm trại

Ngoài những vật dụng y tế trên, khi đi cắm trại mọi người nên lưu ý một số vấn đề khác để đảm bảo an toàn:

- Mang theo nhiều thức ăn và đồ uống nhưng cần bảo quản đúng cách. Bạn nên bảo quản thực phẩm nóng ở nhiệt độ trên 60˚C và thực phẩm lạnh dưới 4˚C. Bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong các hộp đựng nông, rộng và cho vào tủ lạnh hoặc thùng lạnh trong vòng 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài nóng hơn 32˚C).

Bạn cũng đừng quên nên mang theo một số thực phẩm khô như mì tôm, bánh mì, ...

- Nhận biết các rủi ro xung quanh khu cắm lều, chẳng hạn như tránh cắm trại trực tiếp dưới những cây dễ bị rụng cành lớn bất cứ lúc nào hoặc tránh cắm trại ở lòng lạch và nơi nước có thể đọng lại phòng trường hợp khi trời mưa.

- Mang đầy đủ quần áo, chăn màn nếu như bạn ở qua đêm

- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng khác như điện thoại, đèn pin, ...

- Chú ý đến động vật hoang dã nếu như bạn cắm trại trên rừng

Nguồn: Tổng hợp

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cac-vat-dung-y-te-khong-the-thieu-khi-di-cam-trai-trong-mua-he-20230720145254404.htm