Các vị vua Việt đọc sách gì để tự 'sửa mình'?

Có nhiều vị vua Việt Nam có tài văn học, từng viết sách, như vua Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Thiệu Trị nhưng ít sách viết các vua đọc sách như thế nào.

Sử đời Trần cho biết đời Trần Nghệ Tông, nhà vua sai hai văn thần là Nguyễn Mậu Tiên và Phan Nghĩa thay phiên nhau trực hầu để hỏi những việc cũ, hằng ngày chép ra để dạy Trần Phế đế. Những việc này được tập hợp lại thành bộ Bảo Hòa điện dư bút, gồm 8 quyển, là một bộ sách giáo khoa riêng dành cho ấu vương, với lời đề tựa của Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Vua Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, tài ba. Nhà sử học Vũ Quỳnh từng khen về khả năng đọc sách của nhà vua: “Vua võ giỏi, văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông, văn thơ hay hơn cả các quan văn học”.

Không chỉ chăm đọc sách, Lê Thánh Tông còn muốn xem cả sử liệu đương thời để tự sửa mình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1467, vua Lê Thánh Tông sai nội quan đến Hàn lâm viện để mượn Nhật lịch (sổ biên chép việc hằng ngày của nhà vua) về cho vua xem. Sử quan là Lê Nghĩa tâu rằng: “Đường Thái Tông đòi xem quốc sử, Phòng Huyền Linh chép sử không trung thực, đều bị đời sau chê”. Khi biết vua chỉ muốn xem nhật lịch để biết ngày trước có lỗi lầm gì mà sửa đổi, Lê Nghĩa bèn dâng nhật lịch. Vua xem xong, trả lại sử viện.

Vua Lê Thánh Tông được sử thần Vũ Quỳnh khen là "tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông". Ảnh: Minh họa hình vua Lê Thánh Tông trên bìa sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ.

Vua Lê Thánh Tông được sử thần Vũ Quỳnh khen là "tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông". Ảnh: Minh họa hình vua Lê Thánh Tông trên bìa sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ.

Trong lời tựa ngự chế cho tập Quỳnh uyển cửu ca, vua Lê Thánh Tông có nói về việc đọc sách dẫn đến nhu cầu viết của mình sách rằng:

“Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm, dục thần ít trong, ở yên cao hứng, bèn hăng hái nghĩ đến các bậc đế vương thánh triết, đến lòng cặn kẽ của những bề tôi trung lương, mới gọi Giấy, Bút, Mực, Nghiên đến bảo cho biết rằng: Tình của ta thư thái, khí tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta ghi lấy được không?”

Chính vì vậy, sau khi ngự chế 9 bài thơ cận luật, vua Lê Thánh Tông đã họp các vị học sĩ, hàn lâm, tất cả 28 người, ứng với nhị thập bát tú, lợp thành một hội Tao Đàn, thay nhau cùng họa, được vài trăm bài.

“Bài nào cũng chọn chữ kỹ càng, điệu vần sang sáng, dâng lên ta xem, lòng ta rất vui, xem kỹ hai ba lần. Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn chỉ để riêng ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng”, vua viết tiếp trong lời tựa sách.

Vua Lê Tương Dực tuy là một vị vua bạo ngược, nhưng lúc mới lên ngôi cũng là người ham đọc sách sử và có công lao trong việc sửa sang giáo dục, biên chép sử sách. Khi sử quan Vũ Quỳnh dâng sách Việt giám thông khảo, chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, dài 26 quyển, vua Tương Dực muốn nhặt những điều cốt yếu để làm tổng luận cho tiện đọc, mới sai học sĩ Lê Tung soạn cuốn Việt giám thông khảo tổng luận, rút gọn chỉ có 1 quyển.

Chúa Trịnh Sâm, khi còn là thế tử có làm một tập thơ, đến khi lên ngôi vương mới chép lại thành tập đặt tên là Tâm thanh tồn dụy tập gồm 4 quyển, tự làm bài tựa, trong đó cũng kể về việc ông đọc sách thế nào:

“Ta lúc trẻ xem thơ Đường, thấy thơ của các danh gia đại để là để ý đến thanh âm niêm luật khéo hay vụng. Nhân đọc bài tựa Kinh Thi của Chu tử có nói: “Thơ là do cảm xúc trong lòng người mà hình ra lời nói. Lòng cảm xúc có tà có chính nên hình ra lời nói có phải có trái”, bấy giờ ta mới biết được mấu chốt của việc học Kinh Thi”.

Vua Lê Hiển Tông, trong bài tựa ngự chế cho tập Hoàng Lê ngọc phả mà Trịnh Viêm và Nguyễn Hài soạn, cũng nói về chuyện đọc sử của mình:

“Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến dấu nghĩa của các triều trước, không ngày nào quên, từng biên chép thành sách, để hàng ngày xem đọc. Gần đây thấy bản chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thấy có hơi khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu biên chép lại, cốt cho đầy đủ hoàn toàn…”.

Vua Minh Mạng không chỉ ham đọc sách mà còn khuyến khích các quan đọc sách. Ngay sau khi lên ngôi, đã dụ bầy tôi rằng: “Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết hết được. Nay thư viện Thanh Hòa chứa nhiều sách lạ bốn phương, bọn khanh lúc rỗi việc mà có chí đọc sách thì mượn mà xem”.

Nhờ kiến thức sâu rộng, vua Minh Mạng đã phê phán các quan ở Khâm Thiên giám khi họ tâu bày không có cơ sở. Theo bộ Đại Nam thực lục, hôm ấy, sấm dậy ở phía nam. Tòa Khâm thiên giám đem việc đó tâu lên và dẫn sách Quản Khuy nói: "Sấm mùa xuân dậy ở phương nam, năm ấy có hạn hán nhỏ", và "Mùa xuân, tháng giêng có sấm, thì dân đói !".

Vua phê bảo rằng: "Đất phương Nam không được dày dặn lắm, cho nên dương khí không chứa được nhiều, dễ bốc lên. Mùa đông còn có sấm, nữa là mùa xuân? Xưa có nói: "Trong trăm dặm, chỗ có sấm, chỗ không có sấm", huống hồ khí hậu phương Nam lại khác hẳn. Chỉ đọc sách cổ, mà không xét đoán theo khí hậu thì chẳng phải sách làm lầm các ngươi, mà chính các ngươi tự làm lầm mình! Đọc sách quý ở chỗ biết suy xét cho thấu nghĩa lý. Các ngươi kiến thức nông cạn, sao đủ nói điềm hay, điềm dở?".

Vua Thiệu Trị cũng nổi tiếng là người hay chữ và chăm đọc sách. Vua từng bảo Đại học sĩ Trương Đăng Quế rằng: "Đọc sách có ích rất nhiều. Trẫm gần đây xem sách Vận phủ, xét trong Tự điển, sách ấy còn thiếu sót nhiều. Nay nhà nước nhàn rỗi, phong nhã rất thịnh, trẫm muốn sai quan khảo cứu so sánh làm thành bộ sách đầy đủ của nước Nam ta, để giúp những người hậu học".

Vua Tự Đức khi đọc sách Minh sử, thấy truyện ở Tòng Giang dân nịnh hót. Ngụy Trung Hiền dựng đền thờ gọi là đền Đức Hinh. Vua thấy ở điện Biểu Đức trong cung cũng có lầu tên là Đức Hinh, nghĩ đến chuyện nịnh hót đời xưa, không yên lòng, cho nên sai đổi lại tên lầu ấy thành lầu Minh Đức, cho làm biển mới treo lên, còn cái biển cũ đem đốt đi.

Theo Lê Tiên Long/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/cac-vi-vua-viet-doc-sach-gi-de-tu-sua-minh/20190823043032238