Các vụ án tham nhũng đặc biệt lớn được xử lý nghiêm minh

Các tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Ngày 23/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021... Các cơ quan tư pháp đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về những lĩnh vực liên quan.

Theo báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, giai đoạn từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các tòa án đã thụ lý gần 537.600 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch.

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng sẽ được trình và Quốc hội thảo luận trong ngày hôm nay, trong đó cũng đề cập đến khó khăn này. Trên cơ sở đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ góp phần khắc phục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Cũng liên quan đến báo cáo của Chánh án về các vụ án hình sự, các tòa án đã thụ lý hơn 88.600 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được hơn 79.400 vụ với 138.272 bị cáo.

Các tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như, trong đó có vụ xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Cùng với đó, các tòa án đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.

Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các tòa án đã thụ lý 411.299 vụ việc. Đối với các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 10.728 vụ; đã giải quyết, xét xử 53,1%. Các tòa án đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đạt tỷ lệ 99,5%.

Liên quan đến tổ chức bộ máy, Chánh án thông tin, đến ngày 30/9, tổng số biên chế tòa án các cấp có 13.457 người, còn thiếu 1.780 người so với biên chế được giao. Ban cán sự đảng và Chánh án TAND Tối cao đã trình Quốc hội phê chuẩn và trình Chủ tịch nước bổ nhiệm đối với 7 Thẩm phán TAND tối cao. Ngoài ra, TAND hiện có 16.842 Hội thẩm nhân dân.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, TAND Tối cao đang nghiên cứu, xây dựng đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ gửi tới Quốc hội báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (giai đoạn từ 1/10/2020 đến 30/9/2021).

Liên quan đến phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 2.925 tập thể, 4.286 cá nhân, kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng, 3.497 ha đất. Các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh điều tra.

Trong giai đoạn kể trên đã phát hiện 8.081 vụ, 7.032 đối tượng, 73 tổ chức, trong đó có 10 pháp nhân thương mại phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 371 vụ, 687 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ.

Bên cạnh đó, đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, giáo dục có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực. Một số vụ trong lĩnh vực y tế như vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La... Trong lĩnh vực giáo dục, có vụ án tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 gửi Quốc hội. Trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm (tăng 175% so với năm 2020).

Qua kiểm tra tại 6.890 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giảm 7,3% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách”, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cac-vu-an-tham-nhung-dac-biet-lon-duoc-xu-ly-nghiem-minh-post1387128.tpo