Các vụ phóng tên lửa SpaceX tàn phá môi trường sống của chim, Elon Musk bị tố lừa các quan chức Mỹ
Theo trang The New York Times, các hoạt động tại khu phức hợp Starbase của SpaceX ở vùng Boca Chica (bang Texas, Mỹ), gồm cả bệ phóng tên lửa và cơ sở sản xuất, đã gây thiệt hại cho môi trường địa phương.
Báo cáo cho biết các hoạt động của SpaceX đã gây nổ, cháy, rò rỉ và các vấn đề khác ít nhất 19 lần kể từ năm 2019. Một vụ phóng tên lửa vào năm 2023 đã kết thúc bằng vụ nổ, thiêu rụi 3,5 mẫu Anh (khoảng 14.163 mét vuông) của một công viên bang gần đó.
Vụ việc gần đây xảy ra vào tháng 6 với vụ phóng tên lửa mạnh và lớn nhất thế giới Starship bay lên vũ trụ và quay trở lại. Dù được coi là thành công, chuyến bay đã để lại những vệt lòng đỏ trứng gà dính trên mặt đất gần địa điểm phóng tên lửa Starship.
Khu phức hợp Starbase giáp ranh với các vùng đất công như Công viên bang Boca Chica và gần đường di cư của một số loài chim, gồm cả Piping Plovers (choi choi chân vàng). Loài choi choi chân vàng được Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ liệt kê là "bị đe dọa".
Tổ chức nhóm phi lợi nhuận Coastal Bend Bays & Estuaries Program đã ghi nhận được 9 tổ chim trong khu vực trước vụ phóng tên lửa Starship hồi tháng 6, nhưng không có tổ nào còn nguyên vẹn sau vụ phóng.
"Cả 9 tổ chim được theo dõi sau vụ phóng tên lửa vào ngày 6.6 đều bị mất trứng, trứng bị hư hỏng hoặc cả hai. Thiệt hại này không phù hợp với bất kỳ tương tác nào từ động vật ăn thịt nào theo kinh nghiệm của chúng tôi. Ngoài ra, tốc độ/lực mạnh từ mảnh vỡ phóng ra và cát/bùn ướt đều rõ ràng trong cả ảnh chụp camera quan sát và trên mặt thân camera, một trong số đó đã bị vỡ ống kính bởi một viên sỏi bê tông", theo báo cáo năm 2024 của Coastal Bend Bays & Estuaries Program.
Vụ phóng tên lửa Starship đã bắn mảnh vỡ khắp các khu vực xung quanh và gây ra một đám cháy nhỏ. Tấm kim loại và vật liệu cách nhiệt cũng được tìm thấy trong số các mảnh vỡ.
Các hoạt động môi trường của SpaceX gây ra mâu thuẫn với các cơ quan chính phủ Mỹ như Cục Công viên Quốc gia, Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ. Tuy nhiên, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã bảo vệ SpaceX trong một tuyên bố với tờ The New York Times.
"Việc mảnh vỡ bắn vào các công viên tiểu bang hoặc đất quốc gia không phải là những gì chúng tôi quy định, nhưng điều quan trọng là không ai bị thương. Chúng tôi chắc chắn không muốn mọi người cảm thấy như họ đang bị chèn ép. Thế nhưng, đó thực sự là một hoạt động quan trọng mà SpaceX đang tiến hành. Nó thực sự quan trọng với chương trình vũ trụ dân sự của chúng ta", một quan chức thuộc Cục Hàng không Liên bang nói.
Gary Henry, cựu cố vấn của SpaceX về các chương trình phóng tên lửa của Lầu Năm Góc, chia sẻ với The New York Times rằng SpaceX nhận thức được những lời chỉ trích xung quanh các hoạt động môi trường của họ và có kế hoạch giải quyết chúng.
Ông cho biết SpaceX đã thuê một nhà tư vấn để theo dõi các mô hình di cư của chim. Các nhà nghiên cứu của công ty "không tìm thấy bằng chứng" về sự thay đổi của số lượng chim địa phương. Tuy nhiên, các quan chức môi trường còn có nhiều bức xúc với SpaceX.
The New York Times đưa tin Elon Musk (Giám đốc điều hành SpaceX) đã lợi dụng những điểm yếu và sự mâu thuẫn trong nhiệm vụ của các cơ quan khác nhau để tránh hoặc giảm bớt các quy định có thể gây bất lợi cho SpaceX. Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ cùng Cục Công viên Quốc gia (những đơn vị giám sát tài nguyên thiên nhiên và các tài nguyên khác) đã nhiều lần không thành công trong việc bảo vệ quan điểm và thực thi quy định của mình trước các cơ quan lớn hơn như Cục Hàng không Liên bang.
The New York Times cũng cho biết Elon Musk đã mở rộng hoạt động của SpaceX nhiều hơn so với những gì ông ban đầu hứa với các quan chức. Mark Spier, cựu quan chức Cục Công viên Quốc gia, cáo buộc Elon Musk đã "đánh lừa" các quan chức.
"Họ cứ nói: ‘Không, chúng tôi sẽ không làm điều đó’, rồi họ quay lại và nói: ‘Vâng, chúng tôi sẽ làm’. Chúng ta đã bị đánh lừa", Mark Spier cho hay.
Sự tập trung vào SpaceX và tác động của họ lên môi trường địa phương tiếp tục thu hút sự chú ý. NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) xác nhận vào tháng 6 rằng một mảnh vỡ lớn có kích thước bằng nắp capo xe từ tàu vũ trụ Dragon của SpaceX đã rơi xuống bang Bắc Carolina (Mỹ).
Lúc 8 giờ 50 sáng giờ miền Đông hôm 6.6, tên lửa Starship đã cất cánh từ khu phức hợp Starbase. Khoảng 8 phút sau khi bay, tầng đầu tiên của Starship là tên lửa đẩy Super Heavy đã hạ cánh thành công xuống vùng biển vịnh Mexico, bất chấp việc 1 trong số 33 động cơ của nó bị hỏng khi đánh lửa.
Hơn một giờ sau, tầng thứ hai của tên lửa là khoang tàu Starship hạ cánh xuống Ấn Độ Dương một cách có kiểm soát, dù lớp cách nhiệt của nó đã bị đốt cháy nghiêm trọng trong quá trình tái nhập khí quyển. Tàu Starship được bao phủ bởi 18.000 tấm ốp ceramic hình lục giác siêu nhẹ, dùng để bảo vệ phương tiện trong lúc hồi quyển.
Starship (cao 121 mét) không chỉ đóng vai trò then chốt cho tầm nhìn của Elon Musk về việc đưa người lên sao Hỏa, mà còn quan trọng với kế hoạch của NASA đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng, hiện được ấn định vào năm 2026.
Đằng sau việc Elon Musk tuyên bố ‘đóng góp cho môi trường nhiều hơn bất kỳ người nào khác’
Trong cuộc phỏng vấn tại hội nghị thượng đỉnh DealBook năm ngoái, Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) tuyên bố đã làm nhiều việc cho môi trường hơn bất kỳ người nào trên Trái đất, vì những gì ông đã thực hiện để mở ra kỷ nguyên của ô tô điện.
Tỷ phú này nói: “Tesla đã làm nhiều việc để đóng góp cho môi trường hơn tất cả công ty khác cộng lại. Do đó, công bằng mà nói, với tư cách là người lãnh đạo của công ty, tôi đã làm được nhiều việc cho môi trường hơn bất kỳ người nào trên Trái đất”.
Bỏ qua các chi phí về môi trường của cả việc sản xuất ô tô và pin, chi phí sạc ô tô điện trên lưới điện bẩn và bất kỳ hoạt động cá nhân nào của Elon Musk, gồm cả hàng trăm chuyến bay bằng máy bay riêng, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ sở hữu nhiều công ty chứ không riêng Tesla. Ngay cả khi Tesla hoàn toàn bền vững (không gây ra các tác động tiêu cực với tự nhiên, môi trường và cộng đồng xã hội) thì về bản chất, một số công ty khác của ông lại không được như vậy, chẳng hạn SpaceX.
Những năm qua, SpaceX đã khẳng định mình là tập đoàn không gian tư nhân hàng đầu. Thời gian qua, Elon Musk đã tăng cường số lần phóng tên lửa của SpaceX cả để mở rộng hệ thống vệ tinh Starlink của mình và duy trì ưu thế đó.
Starlink là dự án do SpaceX thực hiện nhằm triển khai một hệ thống vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet toàn cầu. Hệ thống này bao gồm một mạng lưới các vệ tinh đặt ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp, giúp giảm độ trễ và tăng cường khả năng kết nối internet.
SpaceX đã thực hiện gần 100 sứ mệnh phóng tên lửa trong năm 2023, 26 lần vào năm 2020, 31 lần trong 2021 và 61 lần vào 2022.
Khi SpaceX tăng tần suất phóng tên lửa, các hãng khác trên thế giới cũng làm theo. Nhà thiên văn học Jonathan McDowell nói đã có hơn 200 vụ phóng tên lửa trên toàn thế giới trong năm 2023, so với 174 vụ vào năm 2022 và 132 vụ trong 2021.
Sự gia tăng tần suất phóng tên lửa trên toàn thế giới này khiến một số nhà khoa học lo ngại về tác động đến môi trường.
Tên lửa không gây ra những lo ngại về môi trường giống như các hình thức vận chuyển khác, chẳng hạn như ô tô hoặc máy bay. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không đã ghi nhận 24,2 triệu chuyến bay vào năm 2021.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hàng không vào năm 2022 chiếm khoảng 2% lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng toàn cầu. Các vụ phóng tên lửa chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số chuyến bay trên máy bay. Thế nhưng, vấn đề với tên lửa không phải là lượng khí thải carbon, theo tiến sĩ Eloise Marais, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Chất lượng không khí và Thành phần khí quyển của Đại học College London. Thay vào đó, vấn đề nằm ở quá trình tạo ra và phun các hạt muội than (còn được gọi là carbon đen).
Muội than là hạt rất nhỏ, sẫm màu, được sinh ra khi nhiên liệu cháy không hoàn toàn. Hạt muội than nhỏ hơn khoảng 100 lần so với chiều rộng của sợi tóc người, đủ nhỏ để xâm nhập sâu vào phổi, nơi nó có thể gây ra bệnh phổi, bệnh tim và tử vong sớm.
Các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như vận tải biển hoặc than đá, tạo ra nhiều carbon đen hơn ngành tên lửa. Thế nhưng, carbon đen do các ngành đó tạo ra không tồn tại lâu trong không khí. Tiến sĩ Eloise Marais cho biết mưa sẽ rửa sạch bụi bẩn trên bầu trời trong vòng vài tuần.
Trong khi, tên lửa phun carbon đen vào các tầng cao nhất bầu khí quyển, nơi không có thời tiết để làm sạch nó. Cách duy nhất để loại bỏ carbon đen khỏi các tầng trên của khí quyển là thông qua trọng lực, dù Eloise Marais cho biết phải mất hơn hai năm để các hạt này quay trở lại mặt đất.
Bà nói: “Ngụ ý là chúng ta không cần có nhiều vụ phóng tên lửa như những chuyến bay chặng dài hoặc phương tiện di chuyển trên đường để gây ra tác động tương đương. Vì vậy, sự gia tăng nhỏ về số lượng vụ phóng tên lửa có tác động lớn".
Eloise Marais cho biết vấn đề với việc có các hạt carbon đen ở các tầng trên khí quyển là chúng hấp thụ nhiệt từ Mặt trời rất tốt, điều này làm tăng sự nóng lên của các tầng trên. “Chúng đang thay đổi sự cân bằng năng lượng của Trái đất”, bà nói.
Eloise Marais nói tác động của điều đó vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Tên lửa cũng giải phóng hỗn hợp hóa chất vào tầng bình lưu, có thể làm suy giảm thêm tầng ozone (tầng đang cố gắng tự phục hồi).
Khi phóng tên lửa New Shepard vào ngày 19.12.2023, công ty Blue Origin (đối thủ của SpaceX) cho biết trong một tuyên bố sản phẩm phụ duy nhất trong nhiên liệu của họ, được tạo ra từ oxy lỏng và hydro, là hơi nước.
Eloise Marais cho biết việc giải phóng hơi nước vào các tầng trên khí quyển, tuy không gây ra vấn đề nghiêm trọng như các chất ô nhiễm khác, nhưng “vẫn sẽ phản ứng và làm suy giảm tầng ozone”.
Bà nói: “Không phải không có tác động gì khi nó được thải vào các tầng cao hơn trong khí quyển và chúng ta không hoàn toàn hiểu được tác động của hơi nước này với các tầng trên khí quyển”.
Ngay cả khi không tính đến hơi nước, tên lửa vẫn đốt nhiên liệu ở nhiệt độ rất cao. Theo Eloise Marais, quá trình đốt cháy đó chuyển đổi nitơ trong khí quyển thành các hợp chất nitơ phản ứng (oxit nitơ), là những hợp chất làm suy giảm tầng ozone.