Các xã đăng ký 'về đích' nông thôn mới năm 2020: Nỗ lực đạt mục tiêu đề ra
Năm 2020, Lào Cai phấn đấu có 6 xã 'về đích' nông thôn mới, gồm: Minh Lương, Tân Thượng (huyện Văn Bàn), Xuân Thượng (huyện Bảo Yên), Dền Sáng, A Mú Sung (huyện Bát Xát), Pha Long (huyện Mường Khương). Đến thời điểm này, khối lượng công việc còn tương đối nhiều, đòi hỏi 4/6 xã phải nỗ lực rất lớn để đạt mục tiêu đề ra.
Tân Thượng là 1 trong 2 xã của huyện Văn Bàn đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Để “về đích” đúng hẹn, ngay từ cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã phân tích, đánh giá cụ thể những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đưa ra giải pháp huy động nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí. Xã đã chỉ đạo các thôn họp dân, lấy ý kiến của người dân trong việc đề xuất các hạng mục, phần việc cần làm ngay trên tinh thần “việc khó làm trước, việc dễ làm sau” và phải đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên vận, giúp người dân hiểu rõ và phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, xã Tân Thượng đã đạt 12 tiêu chí, còn 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, điện, giáo dục và đào tạo, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài 2 tiêu chí giao thông và điện thì 4 tiêu chí còn lại cơ bản do người dân thực hiện. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, 4 tiêu chí do người dân thực hiện đều liên quan chặt chẽ đến nhau và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của người dân. Đây là một khó khăn vì sự tham gia của người dân vào 4 tiêu chí này chưa cao, nguyên nhân không phải do nhận thức mà họ không có đủ lực. Nhiều người dân không có việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến không có thu nhập nên sẽ không có điều kiện để xóa nhà tạm, làm công trình vệ sinh môi trường (hố rác, nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố).
Cũng là xã đăng ký “về đích” nông thôn mới năm 2020, hiện Xuân Thượng (Bảo Yên) còn 5 tiêu chí chưa đạt, gồm: Thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh. 5 tiêu chí này rất khó thực hiện, nhất là 3 tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người dân mất việc làm. Ngoài ra, giá một số nông sản chủ lực của xã như chè, sả xuống thấp đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân cũng như khả năng thoát nghèo. Đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh nhà ở, làm chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà, nhưng một số hộ vẫn không làm theo.
Các xã đăng ký “về đích” nông thôn mới năm 2020 đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Các huyện đã đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết khó khăn tại cơ sở; lồng ghép các nguồn vốn, huy động từ các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đóng góp. Tổng số tiêu chí đạt của 6 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 là 95/114 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với đầu năm. Đến nay, 2 xã Dền Sáng, A Mú Sung (Bát Xát) cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí, huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với 2 xã trên. Ngoài ra, ban chỉ đạo các huyện, xã chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các phần việc do người dân thực hiện như chỉnh trang và làm mới 158 nhà ở; làm mới hơn 281 nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng hơn 265 chuồng trại hợp vệ sinh; tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, hộ gia đình, khu dân cư.
Theo ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, mặc dù đạt được nhiều kết quả, trong đó 2 xã A Mú Sung và Dền Sáng đã cơ bản đạt 19 tiêu chí, nhưng tiến độ thực hiện của các xã còn lại vẫn chậm do một số công trình đầu tư để đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh chưa được giao. Thiên tai, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến việc phấn đấu đạt tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo. Vệ sinh môi trường tại các xã tuy đã được cải thiện nhưng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Một số người dân nhận thức về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa hiểu rõ ý nghĩa quan điểm người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, dẫn đến trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để giải quyết những khó khăn trên, các huyện và xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ, từng nội dung, phân công rõ trách nhiệm cho tập thể, cá nhân, đặc biệt là những nội dung, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Ban chỉ đạo huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại các xã, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân hiểu rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận đối với phong trào chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới. Gắn việc thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và các phong trào thi đua của tỉnh phát động để duy trì, củng cố và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt đối với chính quyền cấp huyện, cấp xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư hiệu quả; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn các xã. Huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ, duy tu, sửa chữa để phát huy hiệu quả các công trình, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống người dân.