Các xu hướng lớn trong quản trị tài chính toàn cầu

Sự vận động của toàn cầu hóa, môi trường giao dịch tài chính và dòng chu chuyển vốn trong bối cảnh cục diện quan hệ quốc tế biến động tạo ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi sự đáp ứng và thay đổi không ngừng của hệ thống quản trị tài chính toàn cầu.

Hệ thống quản trị tài chính toàn cầu đứng trước áp lực lớn cần cải cách, khắc phục những bất cập. (Nguồn: Indiamart)

Hệ thống quản trị tài chính toàn cầu đứng trước áp lực lớn cần cải cách, khắc phục những bất cập. (Nguồn: Indiamart)

Hệ thống quản trị tài chính toàn cầu là khuôn khổ toàn thế giới của các hiệp định pháp lý, thể chế và tác nhân kinh tế chính thức, cũng như không chính thức, cùng nhau xây dựng quy định, thông lệ liên quan chu chuyển dòng vốn tài chính quốc tế giữa các quốc gia, cho các mục đích đầu tư, thương mại hoặc các mục tiêu phát triển khác.

Từ góc nhìn địa kinh tế - chính trị, tác động của năm yếu tố chính lên hệ thống quản trị toàn cầu, bao gồm: Thay đổi tương quan lực lượng trong cục diện kinh tế thế giới; tình hình và chính sách các nền kinh tế lớn; xu hướng chuyển đổi số; xu hướng tăng trưởng xanh; hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, đã tạo nên bốn xu hướng quản trị lớn trong nền kinh tế thế giới.

Tăng cường “tiếng nói” các nước đang phát triển

Các cuộc thảo luận tại các diễn đàn quốc tế gần đây như Liên hợp quốc (LHQ), Nhóm các nước đang phát triển (G77), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB)… nêu bật những hạn chế của cấu trúc quốc tế hiện tại về tài chính phát triển, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, từ biến đổi khí hậu đến chi phí sinh hoạt, hay khủng hoảng nợ của các nước đang phát triển…

Trong đó, các nước đang phát triển liên tục kêu gọi cải cách hệ thống tài chính toàn cầu theo hướng bao trùm, toàn diện, kêu gọi tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển trong quá trình ra quyết định của các thể chế tài chính hiện tại.

Chính tại LHQ, Tổng thư ký Antonio Guterres đánh giá cấu trúc tài chính quốc tế hiện nay thiếu công bằng, cần bảo đảm tiếp cận tài chính cho các nước đang phát triển và thúc đẩy huy động các nguồn lực nội địa; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác công tư để ứng phó với sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tình trạng lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập và tác động nặng nề đến các nền kinh tế này.

Hệ thống quản trị tài chính toàn cầu đứng trước áp lực lớn cần cải cách, phải khắc phục được những bất cập, hạn chế, đặc biệt là phải phù hợp với trật tự kinh tế - tài chính mới và xu hướng toàn cầu hóa. Theo đó, tiếng nói của các nước đang phát triển cần được tăng cường hơn nữa. Tiếp đó, tăng quota của các nước đang phát triển tại các hệ thống Bretton Woods (WB, IMF…); đa đạng hóa điều kiện rút/cho vay phù hợp hơn với các nước đang phát triển; đòi hỏi các hệ thống đánh giá tín nhiệm công bằng hơn đối với các nước đang phát triển, theo đó có tính tới các điều kiện đặc thù của họ khi áp dụng các tiêu chí đánh giá.

Đẩy mạnh vai trò các nước phát triển

Tại các khuôn khổ quản trị tài chính toàn cầu, các nước cũng kêu gọi nhóm nước phát triển tăng cường vai trò, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề, xu hướng mới trên toàn cầu, như tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, thúc đẩy trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, các nước phát triển được kêu gọi đóng góp nhiều hơn cho các chương trình hành động vì khí hậu, để bù đắp cho các thiệt hại đối với môi trường trong quá trình phát triển trước đó; đồng thời hỗ trợ tài chính cho các nước kém và đang phát triển giảm khoảng cách số, công nghệ…

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và hợp tác chống xói mòn nguồn thu thuế

Hợp tác về thuế toàn cầu gần đây trở nên sôi động hơn thông qua việc triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và thúc đẩy hợp tác chống xói mòn nguồn thu thuế.

Năm 2021, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã thông qua Tuyên bố về giải pháp, gồm hai trụ cột để xử lý các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế.

Theo đó, trong Trụ cột 1, quốc gia sẽ được quyền đánh thuế mới đối với một phần lợi nhuận của công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu hàng năm trên 20 tỷ Euro và lợi nhuận trên 10%, có hoạt động kinh doanh tại quốc gia đó. Và trong Trụ cột 2, quốc gia sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với lợi nhuận ở nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.

Thuế tối thiểu toàn cầu hiện được 136 quốc gia, trong đó có Việt Nam tham gia và đang đẩy nhanh việc áp dụng. Các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Australia… sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Các quốc gia nhận đầu tư trong khu vực ASEAN có điều kiện tương đồng như Việt Nam (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) đều đã có kế hoạch triển khai thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Trong khi đó, với nỗ lực lấp các lỗ hổng pháp lý và hạn chế việc trốn thuế của các doanh nghiệp quốc tế, nhiều nước/nhóm nước thúc đẩy hình thành các quy định toàn cầu chống xói mòn nguồn thu và trốn/né thuế, trong đó nổi bật có 2 sáng kiến của G20/OECD và của nhóm nước châu Phi.

Các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) là sáng kiến của G20/OECD, gồm 15 hành động nhằm thu hẹp “khoảng trống thuế”, hạn chế những vướng mắc, bất cập trong hệ thống chính sách của từng nước, đảm bảo việc áp dụng nhất quán và minh bạch theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. BEPS được lãnh đạo các nước G20 chính thức thông qua vào tháng 11/2015, hiện có 141 thành viên (Việt Nam là thành viên thứ 100) thông qua Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa OECD/G20.

Sáng kiến thứ hai là “Nghị quyết Thúc đẩy hợp tác toàn diện và hiệu quả về thuế quốc tế” do nhóm nước châu Phi đề xuất tại LHQ kêu gọi tăng cường hợp tác thuế toàn diện và bao trùm hơn, có tính đến vai trò của các nước đang phát triển trong quá trình ra quyết định. Sáng kiến đề xuất hợp tác chống dịch chuyển tài chính bất hợp pháp, né thuế, trốn thuế và thành lập một Nền tảng hợp tác về thuế với sự tham gia của các cơ quan LHQ.

Thúc đẩy hợp tác giải quyết nợ công, ngăn ngừa khủng hoảng nợ

Đại dịch Covid-19, khủng hoảng lương thực, năng lượng và các thách thức chưa có tiền lệ đã xảy ra trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, chi phí đi vay tăng cao, làm tăng nguy cơ nợ công ở các quốc gia dễ bị tổn thương.

Theo thống kê, mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển. Tình trạng nợ công ngày càng tăng của các quốc gia đặt ra câu hỏi về vai trò của tài chính phát triển đa phương trong thời kỳ khủng hoảng.

Trước mắt, để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, LHQ và các nước kêu gọi tìm ra các giải pháp đa phương mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt. Hiện tại, các thảo luận liên quan đến vấn đề nợ công tại các khuôn khổ đa phương tập trung vào hai nội dung chính là Giải quyết vấn đề nợ công cho các nước nghèo, nguy cơ cao và Hợp tác ngăn ngừa tình trạng khủng hoảng nợ công.

Nhằm giải quyết vấn đề nợ công cho các nước nghèo và nguy cơ cao, các thể chế tài chính toàn cầu (MDB) chọn cách cung cấp nguồn tài chính mới cho các quốc gia bằng cách dự phòng các nguồn lực và tái sử dụng các phần trong danh mục đầu tư hiện có của họ, dưới các cơ chế như cho vay lại hay bơm vốn.

Trên thực tế, các nước G20 đã thúc đẩy Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI). Thông qua sáng kiến này, các nước G20 đã kết thúc xử lý nợ của Chad, đang tiếp tục xử lý nợ cho Zambia, Ethiopia, Ghana và Sri Lanka.

Tuy nhiên, các quốc gia đều cho rằng về dài hạn, vấn đề nợ công cần được tiếp cận theo hướng “phòng” hơn “chống” và kêu gọi các nước có các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng khủng hoảng nợ ở các nước có nguy cơ cao.

Các nhà lãnh đạo của một số nước đang phát triển đã kêu gọi G20 thống nhất về một sáng kiến đình chỉ nợ tham vọng hơn, bao gồm các khoản vay MDB cho các nước có thu nhập thấp.

Các nước cũng kêu gọi các quốc gia phát triển - được coi là phải chịu trách nhiệm cho phần lớn các thiệt hại về môi trường, giải phóng không gian tài chính cho các quốc gia đi vay phía Nam. Điều này có thể bao gồm xóa nợ, cơ cấu lại nợ, thay thế các khoản vay khí hậu bằng các khoản trợ cấp không hoàn trả và bồi thường thiệt hại.

--------------------------------

(*) Bài viết tổng hợp từ kết quả Chuyên đề nghiên cứu “Một số xu hướng lớn của Quản trị tài chính toàn cầu tại các diễn đàn đa phương” của nhóm tác giả Phan Lộc Kim Phúc, Trương Tô Khánh Linh Trần Đăng Thành, Vũ Hồng Anh, Vũ Thành Đạt, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Phương Hoa.

VỤ TỔNG HỢP KINH TẾ - BỘ NGOẠI GIAO (*)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-xu-huong-lon-trong-quan-tri-tai-chinh-toan-cau-291219.html